HLV Hữu Thắng tuyên bố từ chức sau thất bại khó nuốt trôi tại SEA Games 29 đã đẩy VFF vào tình thế rất khó khăn ở thời điểm hiện tại. Sở dĩ nói như vậy bởi ngày 30/8 tới đây, ĐT Việt Nam sẽ hội quân để chuẩn bị cho lượt trận tiếp theo VL Asian Cup 2019 và khi quỹ thời gian không có nhiều, VFF sẽ phải đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm nhân sự ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển.
Phải thắng thắn rằng chiếc ghế HLV trưởng dù rất hoành tráng nhưng với dư âm SEA Games 29 thì vị trí đó đang chất chứa rất nhiều áp lực. Dù trên thực tế, để trả lương cho các HLV từ thời HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc hay Nguyễn Hữu Thắng thì VFF cũng đã phải chi gần 200 triệu đồng tiền lương hằng tháng cho các nhà cầm quân.
Và chắc chắn khi đưa người mới lên dịp này, VFF cũng phải móc hầu bao chi đậm cho tân thuyền trưởng. Việc ông Thắng rời ghế không gây bất ngờ nhưng ở thời điểm hiện tại, quả thực người kế vị sẽ nhanh chóng trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý và nếu không làm tốt thì uy tín, thương hiệu của mình cũng sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ ghê gớm.
HLV Hữu Thắng đã phải từ chức sau thất bại ở SEA Games 29.
Theo nguyên tắc, Hội đồng HLV QG sẽ sàng lọc danh sách các ứng cử viên thay thế trước khi trình lên VFF phê duyệt. Và khi quá gần thời điểm ĐT Việt Nam phải hội quân để chuẩn bị cho trận gặp Campuchia thì quy trình giới thiệu-thẩm định-đàm phán-bổ nhiệm sẽ diễn ra với tốc độ cực cao.
Ở thời điểm này, việc liên hệ với 1 HLV ngoại, chưa từng làm việc tại Việt Nam là điều không thể mà có lẽ điều đó chỉ được thực hiện sau kỳ đại hội thường niên VFF diễn ra vào tháng 11. Và điều cấp thiết lúc này đó đơn thuần chỉ là chọn lựa 1 gương mặt lên tạm quyền mà thôi.
Theo tìm hiểu, đến lúc này có 3 gương mặt nổi bật cho chiếc ghế nóng đó là GĐKT Jurgen Gede, HLV Hoàng Anh Tuấn và ông Lư Đình Tuấn.
Ở phương án đầu tiên, ông Gede cũng được VFF đánh giá rất cao sau khi có những trợ giúp rất thiết thực về việc nghiên cứu đối thủ giúp U16, U19 Việt Nam thi đấu thành công trong năm 2016 nhưng điểm hạn chế của ông đó là không có nhiều sự hiểu biết về các cầu thủ lớn tuổi hơn nên nếu dẫn dắt ĐT Việt Nam sẽ gây cho ông nhiều khó khăn trong việc tạo dựng hình hài cứng cáp cho đội.
Trong khi đó, HLV Hoàng Anh Tuấn sau giải đấu thành công cùng U19 Việt Nam với tấm vé dự VCK 20 World Cup 2017 đương nhiên có thương hiệu lớn và ông cũng là người lăn lộn khá nhiều năm, nằm gai nếm mật với biết bao thế hệ cầu thủ.
Sẽ không dễ để HLV Hoàng Anh Tuấn hay ông Jurgen Gede có thể lên thay thế HLV Hữu Thắng.
Tuy nhiên, ngặt nỗi thời điểm hiện tại, ông Tuấn "con" đang bận chăm bẵm lứa U18 Việt Nam nên nếu được "thăng cấp" lên ĐTQG sẽ gây nên những sự xáo trộn về kế hoạch chuyên môn.
Thực tế, trước đây ông Tuấn cũng đã được ngắm ngía cho chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG sau khi HLV Phan Thanh Hùng rời vị trí này sau AFF Cup 2012 nhưng thời điểm đó, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn muốn gắn bó với cấp CLB (Khánh Hòa được chuyển giao ra Hải Phòng) nên cuối cùng mọi việc chẳng đi đến đâu.
So với ông Jurgen Gede hay Hoàng Anh Tuấn thì HLV Lư Đình Tuấn yếu thế hơn về kinh nghiệm cũng như thành tích nhưng có lẽ ông đang nắm giữ nhiều lợi thế hơn ở thời điểm cần người "chữa cháy".
Ông Lư Đình Tuấn là trợ lý cho HLV Hữu Thắng tại SEA Games 29 nên ít nhiều ông hiểu cách xây dựng lối chơi của đàn anh người Nghệ An và nếu lên nắm ghế tạm quyền thì ông Tuấn "nhím" sẽ kế thừa di sản đó bởi quỹ thời gian khá ít vào lúc này khó có thể thay đổi luôn lối chơi cho đội tuyển.
Hơn nữa, ông Lư Đình Tuấn cũng có mối quan hệ khá mật thiết với VFF bởi ông thường đứng lớp ở các khóa học bằng HLV do VFF và AFC phối hợp tổ chức hàng năm. Tất nhiên, để chọn ngay và luôn gương mặt lĩnh ấn ngồi ghế nóng ở thời điểm hiện tại không hề dễ dàng với VFF bởi chính tổ chức cũng phải sàng lọc, nghiên cứu kỹ.
Bởi khi dư luận đang hướng sự thất vọng vào U22 Việt Nam thì nếu đi sai nước cờ (dù chỉ là tạm quyền) cũng là khiến người bổ nhiệm chịu áp lực cực lớn.