Dọc đường lên bán đảo, đàn khỉ kéo nhau ngồi trên lan can. Khi có người dừng xe, chúng chạy tới và giành giật thức ăn trên tay người. Một số con còn lục túi xách, đồ đạc treo trên xe. Có thời điểm, đoạn đường hỗn loạn do cả khỉ và người tràn ra đường. Thấy khỉ dạn dĩ, nhiều người cố tình mang theo thức ăn dụ chúng lại gần để quay phim, chụp ảnh.
Anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi, trú quận Sơn Trà), người gắn bó lâu năm với sinh vật trên bán đảo chứng kiến không biết bao nhiêu lần du khách “làm hư” khỉ. Anh nói việc cho khỉ ăn làm mất tập tính kiếm ăn tự nhiên của chúng, đồng thời mang nhiều nguy cơ lây bệnh từ thức ăn. Không chỉ vậy, có con khi không giật được thức ăn đã “nổi cáu” lao vào cào cấu con người.
“Nhiều con đã chết, bị thương nặng vì xe tông khi chạy qua đường tìm thức ăn”, anh kể thêm.
Ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay dù đã nỗ lực tuyên truyền, nhắc nhở nhưng người dân vẫn không chấp hành việc không được cho động vật hoang dã ăn. “Có trường hợp còn chủ động chở theo cả thùng trái cây lên, coi việc cho khỉ ăn như là việc thiện”, ông lắc đầu.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chia sẻ cũng “rất đau đầu” vì tình trạng đàn khỉ như trên. Chúng không còn chờ đợi ở chùa Linh Ứng hay chỉ một vài con dám xuống đường như trước mà kéo thành đàn.
“Chúng đã thụ động, lười nhác tìm kiếm thức ăn. Đây là hậu quả rõ ràng từ sự cho ăn vô ý thức của con người”, ông nói. Ông cho biết thêm, cơ quan chức năng không thể xử phạt những người cho khỉ ăn vì pháp luật không cấm. Vì vậy việc nhắc nhở, cắm bảng cảnh báo không đủ sức răn đe, có khi còn bị người dân cự lại.
“Chúng tôi đã đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử phạt những trường hợp đậu đỗ xe không đúng quy định trên bán đảo, hầu hết là đậu để cho khỉ ăn.
Ngoài ra, Hạt kiểm lâm đang đề xuất sở NN&PTNT xây dựng dự án nghiên cứu tổng thể việc bảo tồn các loài linh trưởng để các nhà khoa học đưa ra giải pháp lâu dài hơn”, ông cho hay.