Chiều 19.12, thông tin tới PV Báo Lao Động, bà Khuất Thị Hoa Oanh – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây (TP.Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết, sẵn sàng cho buổi họp sẽ được diễn ra chiều mai (21.12) tại trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội.
Bà Oanh lưu ý, đây không phải là buổi bàn giao như 5 lần trước bởi đã đều gặp bế tắc, mà nguyên văn, được gọi là: Buổi họp giải quyết kiến nghị.
"Ngày 14.12, Sở Nội vụ gửi một công văn hỏa tốc tới trường chúng tôi cùng 5 đơn vị khác nữa, mời đến để họp bàn giải quyết các kiến nghị trước đó của TTGDTX Hà Tây với Quyết định 5399 (quyết định sáp nhập – PV).
Công văn cũng ghi rõ, là thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên lịch họp sau đó được đổi sang 14h chiều 21.12", bà Oanh nói.
Công văn mời họp được đóng dấu "hỏa tốc" của Sở Nội vụ Hà Nội.
Đặc biệt, vị nữ giám đốc nhấn mạnh, để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị, ban lãnh đạo trung tâm mới đây đã quyết định mời cùng lúc 2 luật sư đoàn Hà Nội vào tổ tư vấn pháp lý.
Đồng thời, ủy quyền cho một người làm đại diện, là luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa.
Chiều 19.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực xác nhận thông tin trên. Ông khẳng định: "Rõ ràng, Quyết định 5399 còn tồn tại bất cập. Chúng tôi sẽ làm hết sức vì sự công bằng".
Trước đó, như Báo Lao Động đã đưa tin, ngày 28.9.2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.
Điều đáng nói, nếu đưa TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp quận thì trên địa bàn Hà Nội không còn trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học giáo dục thường xuyên cấp tỉnh).
Điều này không đúng với Luật Giáo dục và nghị định của chính phủ.
Hơn nữa, phạm vi hoạt động của TTGDTX cấp tỉnh, thành phố khác với TTGDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, với mọi đối tượng theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương trung tâm đóng; nhiều nhiệm vụ trung tâm cấp tỉnh mới được phép làm, trung tâm cấp huyện không được phép làm.
Bàn về câu chuyện đang gây lùm xùm này, luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm: Nếu Quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội dẫn đến hệ quả là toàn TP không còn một trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc cấp tỉnh nào là trái với yêu cầu về quy hoạch mạng lưới giáo dục quốc dân được xác định trong Luật giáo dục và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục.
Phân tích về khía cạnh TTGDTX Hà Tây vốn trực thuộc TP, không nằm trong phạm vi sáp nhập được quy định tại Nghị định 75/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV (chỉ sáp nhập các TT cấp quận, huyện), nhưng vẫn bị "ép" sáp nhập, vị chuyên gia trong lĩnh vực luật hành chính này nói:
"Riêng chỗ này theo tôi cần phải được làm rõ. Hà Nội không thể tự mình nghĩ ra luật và càng không thể đứng trên luật.
Câu hỏi là Hà Nội căn cứ vào đâu để thực hiện việc sáp nhập này. Xét văn công văn lời của Sở Nội vụ gửi Báo Lao Động ngày 23.11, tôi thấy chưa thỏa mãn".
"Theo tôi để có một quyết định vừa thấu lý, đạt tình thì cần thêm một lần nữa, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức buổi đối thoại để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhà trường, của thầy cô, đồng thời giải đáp những vấn đề pháp lý còn khúc mắc đã được nêu ra trong suốt thời gian vừa qua" – luật sư Quách Thành Lực cho biết thêm.
Cho rằng quyết định sáp nhập vừa sai đối tượng vừa không thấu tình, đạt lý, TTGDTX Hà Tây đã liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng mong được xem xét lại.
Vì thế, dù đã trải qua 5 lần hội nghị, công tác bàn giao vẫn là con số không.