Lùm xùm hậu Việt Nam vs Triều Tiên: Khán đài vẫn rất đông!

Hà Quang Minh |

Câu chuyện của hội CĐV xoay quanh giá vé ở trận VN – Triều Tiên vừa rồi lại làm dấy lên tranh cãi, như đã từng xảy ra, về hoạt động của hội, về sự hỗ trợ của giới chức bóng đá.

Chuyện CĐV tẩy chay đội bóng vì giá vé không hiếm nhưng...

Thực sự, nó như một câu chuyện vặt nhưng hướng giải quyết thì luôn không bao giờ có, để mỗi lần sự sinh, y như rằng lại có những "sinh sự" trên mọi diễn đàn.

Cách đây chưa lâu, ở Anh, đã có một làn sóng tẩy chay sân Anfield của các CĐV Liverpool, khi đội bóng quyết định tăng giá vé. Các CĐV đã quyết định đồng loạt bỏ ra khỏi sân ở một phút mặc định nào đó (hình như là phút thứ 17) để phản đối.

Có những người thực sự không muốn ra, vì trận đấu đang hấp dẫn và cuốn hút họ, nhưng cuối cùng cũng phải ra nếu không bị đám đông coi là "phản bội". Và những người bỏ ra ngoài sân đã lỡ một thứ vô cùng đáng giá: bàn thắng và một trận thắng đẹp.

Lùm xùm hậu Việt Nam vs Triều Tiên: Khán đài vẫn rất đông! - Ảnh 1.

Với cả những CLB có CĐV trung thành nhất, chuyện bị tẩy chay vì tăng giá vé vẫn xảy ra nhưng...

Trong phần bình luận liên quan đến một bài báo trên tờ The Times nói về sự việc kia, có một CĐV đã "mắng xối xả" người cầm bút rằng "đừng làm kẻ ‘nâng bi’ giới chủ. Đừng bao giờ coi CĐV là khách hàng của mình".

Thực tế, người CĐV ấy nói đúng. CĐV không thể là khách hàng đơn thuần, bởi nền tảng văn hoá, lịch sử và giá trị thương hiệu của đội bóng được tạo ra bởi chính lực lượng CĐV. Lực lượng ấy càng hùng hậu, thương hiệu của đội bóng càng có giá trị.

Nhưng thực chất, mối quan hệ CĐV với CLB cũng không khác gì mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp dịch vụ. Bóng đá là một môn thể thao nhưng tổ chức giải đấu, trận đấu lại là một ngành dịch vụ thực sự, nếu không nói là ngành công nghiệp giải trí nhiều hứa hẹn doanh thu và lợi nhuận.

Khách hàng của ngành ấy không chỉ là các thương hiệu, là truyền hình mà còn là các CĐV, những khách hàng đặc biệt, những khách hàng mang lại giá trị.

Nhắc đến giá trị, chúng ta quay lại câu chuyện của Hội CĐV Việt Nam và nhìn vào một kết quả khá buồn của họ ở trận Việt Nam – Triều Tiên vừa rồi. Đó là để tìm cách hỗ trợ các hội viên không thể cáng đáng mức vé 100 ngàn cho khán đài C, D,, Hội CĐV đã đề nghị:

1, VFF hỗ trợ giảm giá và 2, Xin tài trợ từ các nhà hảo tâm.

Hai thất bại ấy cho thấy, trong mắt các nhà hảo tâm, các thương hiệu, Hội CĐV ấy chưa đủ làm họ tin tưởng về một giá trị mang lại, đặc biệt là giá trị quảng bá. Và kế đó, khi VFF chưa công nhận họ như một tổ chức chính thức, họ cũng rất khó để tạo nên và phát triển giá trị cho mình.

Như vậy, ở cương vị một khách hàng, hội CĐV chưa cho thấy họ đang là một khách hàng đặc biệt mà VFF sẽ cần phải chăm sóc.

Lùm xùm hậu Việt Nam vs Triều Tiên: Khán đài vẫn rất đông! - Ảnh 2.

Ở những nền bóng đá phát triển, các trận giao hữu cũng được tổ chức vô cùng hoành tráng và chu đáo, đặc biệt trong các hoạt động liên quan tới CĐV.

Trách nhiệm của VFF là gì?

Cách đây 2 năm, tôi được FFF mời dự khán trận đấu giao hữu giữa Pháp và TBN. Trận đấu bắt đầu từ 20:45 (giờ Pháp) và thiệp mời của tôi ghi bắt đầu từ 19:00 (có tham dự buffet và cocktail cùng các quan chức, HLV cựu danh thủ, gia quyến tuyển thủ).

Từ 18:00, sân Stade de France đã đông nghịt. Và khi trận đấu kết thúc, vào khoảng 22:45, rất nhiều tình nguyện viên đã thông báo, thúc giục CĐV lên tàu điện ngầm để về lại Paris. Các chuyến tàu đưa CĐV sẽ kết thúc vào 23:00, và hoàn toàn miễn phí.

Đó là cách phục vụ CĐV chu đáo nhất, bởi nửa đêm, nếu không bắt được tàu điện ngầm, và xe bus đã nghỉ, bạn chỉ còn cách tốn rất nhiều tiền cho taxi hoặc cuốc bộ. Nhưng những hỗ trợ của FFF với CĐV cũng chỉ tới đó.

Giá vé là không thể mặc cả. Đơn giản, mỗi trận đấu sẽ có một mức giá vé khác nhau. Bạn có tiền, mời bạn đến sân. Bạn không tiền, mời bạn ở nhà, xem TV, với điều kiện nhà bạn có đăng ký thuê bao kênh TH có bản quyền.

Các LĐBĐ chuyên nghiệp xử lý các trận đấu không khác gì các sự kiện. Và mỗi sự kiện có giá trị riêng của nó.

Trận Pháp gặp TBN tất nhiên đắt đỏ hơn trận Pháp gặp Wales. Giá trị thương hiệu của TBN lớn hơn (họ đang là ĐKVĐ châu Âu khi ấy), TBN sẽ đòi tiền thù lao cao hơn, các điều kiện sinh hoạt sang trọng hơn. Chi phí ấy bổ vào đâu? Giá vé và BQTH cũng như tài trợ.

Và giá vé thấp nhất cho trận Pháp – TBN năm đó rơi vào khoảng hơn 100 euro. Nên nhớ, đó không phải là một khoản tiền nhỏ, với sinh viên, học sinh Pháp. Nhưng họ không kêu ca, càng không nhân danh CĐV để đòi hỏi.

Họ chấp nhận nó, như một quy luật của một thị trường tự do. Và FFF cũng phải chấp nhận chuyện nếu họ định giá vé quá cao, ít người tới sân, lỗ vốn, họ phải gánh chịu trách nhiệm cho khoản lỗ ấy.

Lùm xùm hậu Việt Nam vs Triều Tiên: Khán đài vẫn rất đông! - Ảnh 3.

VFF phải chi không ít để mời Triều Tiên tới Việt Nam giao hữu.

Triều Tiên sang giao hữu với VIệt Nam không phải để lấy gạo. Chúng ta cũng phải trả tiền họ để có được trận tập dượt đáng quý đó. Sân Thống Nhất lại không lớn như sân Mỹ Đình. Và khán giả TPHCM vẫn đòi hỏi được thấy ĐTQG chơi ở đó bao năm nay rồi.

Và ĐTQG tới, chơi với một đội mạnh của châu lục, 100 ngàn/ vé không phải là quá đắt. VFF dám định giá, họ chắc chắn dám đương đầu với rủi ro.

Không có rủi ro. Khán đài vẫn rất đông. Còn tôi, tôi không mua vé, mà ngồi nhà xem THTT, uống bia với mấy ông anh vợ. Mà tôi nhớ không lầm, kênh truyền hình trực tiếp là VTV6, một kênh không thu tiền.

Có hàng chục triệu người hâm mộ ĐTQG Việt Nam ở trên dải đất chữ S này. Họ không tỏ ra bất bình chút nào. Vậy thì chuyện một nhóm nhỏ CĐV cảm thấy bức xúc có nên chăng cứ tiếp tục dai dẳng thành một đề tài tranh cãi trong tương lai?

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, VFF cũng nên chuyên nghiệp hơn trong khâu tổ chức sự kiện. Còn chuyện công nhận Hội CĐV Việt Nam như một tổ chức danh chính ngôn thuận, làm cũng được, không làm chẳng sao.

Ở các nước phát triển, chỉ có các hội CĐV của các CLB là được công nhận mà thôi. Còn ĐTQG ư? Tình yêu với màu quốc kỳ không cần bất kỳ ai chứng nhận cả.

Hoàng Anh Gia Lai bùng nổ, Việt Nam đại thắng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại