Lực lượng Houthi ở Yemen.
Đầu tuần này, phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã bắn tên lửa đạn đạo và hành trình vào Israel.
Bruce Riedel, cựu chuyên gia phân tích của CIA và chuyên gia về khu vực, cho rằng đợt tấn công này đánh dấu lần đầu tiên tên lửa đạn đạo được phóng vào Israel kể từ khi nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein bắn tên lửa Scud vào Israel năm 1991. Việc sử dụng tên lửa đạn đạo thể hiện sự leo thang lớn, nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh khu vực khi quân đội Mỹ đồn trú gần đó.
Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành của Viện nghiên cứu Quincy, cho rằng “chiến lược tốt nhất để tránh bị cuốn vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông là ngay từ đầu không điều động quân đội một cách không cần thiết đến khu vực, và đưa lực lượng đang ở đó về nước”.
Viện Quản lý nhà nước có trách nhiệm, một tổ chức nghiên cứu ở Washington thường ủng hộ chính sách đối ngoại kiềm chế, nhận định: “Sự hiện diện của họ (binh lính Mỹ) ở đó không làm cho nước Mỹ an toàn hơn mà còn khiến Mỹ có nguy cơ dính vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông”.
Dù quy mô hoạt động đặc biệt của Mỹ ở Yemen đã giảm dần, sau khi Washington tham chiến ở đó từ năm 2000, Nhà Trắng hồi tháng 6 tiết lộ rằng Mỹ vẫn duy trì lực lượng "chiến đấu" ở Yemen.
Lực lượng Houthi không được liệt kê là mục tiêu chính thức của sứ mệnh lực lượng đặc biệt của Mỹ ở Yemen, nhưng Lầu Năm Góc vẫn dùng quyền hạn của mình trong cuộc chiến chống IS để tấn công các nhóm được Iran hậu thuẫn.
Tuần trước, Mỹ ném bom 2 cơ sở liên quan đến lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Syria để trả đũa việc các nhóm chiến binh được Iran hỗ trợ tấn công cơ sở của Mỹ ở khu vực.
Các nhà phân tích cảnh báo, không nên coi cuộc tấn công của Houthi là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn của Iran mà không có bất kỳ bằng chứng nào.
Paul Pillar, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của ĐH Georgetown, nói với The Intercept : “Nên thận trọng khi giải thích cuộc tấn công tên lửa (của Houthi) như một phần trong chiến lược lớn nào đó của ‘trục kháng chiến’ do Iran lãnh đạo”.
Theo chuyên gia này, Houthi, dù được Iran hỗ trợ vật chất, vẫn có thể đưa ra quyết định của riêng mình, nhất là trong cuộc nội chiến ở Yemen khi họ chiếm giữ thủ đô Sanaa, dù Iran được nói là không ủng hộ điều này.
Tổng thống Joe Biden khẳng định những cuộc tấn công của Mỹ vào các mục tiêu ở Syria là chiến lược răn đe, nhưng một số nhà quan sát cho rằng bất kỳ sự răn đe nào cũng sẽ bị suy yếu bởi sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ lại tạo ra nhiều mục tiêu hơn.
Yemen rơi vào một cuộc nội chiến tàn khốc từ năm 2014, khi nhóm phiến quân Houthi ở phía bắc được Iran hậu thuẫn chiến đấu với chính phủ lưu vong ở miền nam được Mỹ và liên minh bao gồm Ả-rập Xê-út và UAE hỗ trợ.
Các hoạt động của Mỹ tại Yemen được giám sát bởi Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt - Yemen, gọi tắt là SOCCENT FWD Yemen, hay SFY. Lực lượng này giám sát chiến dịch chống khủng bố ở Trung Đông, từ Pakistan đến Ai Cập.
Dù Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bao giờ chính thức thừa nhận SOCCENT FWD Yemen hoặc nhiệm vụ của nó, nhưng các manh mối về sự tồn tại và mục tiêu của lực lượng này xuất hiện rải rác trong một số tài liệu, cùng với một số thông tin được các sĩ quan quân đội Mỹ đưa ra. Lực lượng này vẫn tồn tại sau khi Đại sứ quán chính của Mỹ tại Sanaa đóng cửa từ năm 2012, trong bối cảnh hỗn loạn của cuộc nội chiến.
Theo The Intercept