25 năm trước, mẹ tôi dẫn dượng về sống cùng. Mẹ nói dượng là một người đàn ông tốt, sẽ thương yêu và bảo vệ tôi. Lúc đó tôi được 10 tuổi, vì thiếu thốn tình thương của bố (bố tôi bỏ đi cùng một người phụ nữ khác) đã lâu nên tôi rất thích có bố. Tôi không gọi "chồng mới của mẹ" là dượng mà gọi là bố. Gia đình 3 người sống rất hòa thuận, hạnh phúc.
Dượng thương yêu tôi thật lòng. Ông đi làm, kiếm tiền về đưa hết cho mẹ tôi và luôn dặn dò mẹ phải mua đồ mới cho tôi. Đầu năm học, dượng sẽ chở mẹ con tôi đi mua sắm sách vở, quần áo mới. Khi tôi có thêm 2 em cùng mẹ khác cha, sự chăm sóc của dượng dành cho tôi vẫn không giảm đi, càng không có sự phân biệt giữa tôi và các em.
Nhưng đến ngày cưới của tôi thì giữa tôi và dượng lại nảy sinh mâu thuẫn. Tôi muốn để tên bố ruột vào thiệp cưới, còn dượng lại muốn để tên ông. Ông bảo dù không có công sinh nhưng đã nuôi dưỡng, thương yêu tôi như con đẻ suốt 20 năm qua. Còn bố tôi bỏ đi, tại sao tôi vẫn nhớ thương, vẫn tìm cách liên lạc và gọi ông ấy về dự lễ cưới với vai trò cha đẻ. Tôi có lý lẽ của tôi, dượng có lý lẽ của dượng, chúng tôi cãi vã nảy lửa vì chuyện này. Trong lúc nóng giận, dượng đã giơ tay tát tôi một cái vì tội hỗn. Tôi bật khóc, giận dữ dọn đồ đạc chuyển ra nhà trọ ở.
Ngày tôi cưới, dượng không đến dự mà chỉ gửi 2 chỉ vàng mừng cùng một tin nhắn: "Xin lỗi con gái, hôm đó bố đã nóng giận quá mức. Chúc con trăm năm hạnh phúc". Nhận tin, tôi vẫn hậm hực xóa đi vì nghĩ rằng ông không phải cha ruột tôi, tại sao lại dám đánh tôi?
5 năm nay, vợ chồng tôi ít về thăm mẹ và dượng. Chỉ vào những ngày giỗ, lễ, Tết, chúng tôi mới về và chỉ ở được một hôm là đi ngay. Cái tát kia vẫn là cái dằm trong tim, khiến tôi ức chế mỗi khi nghĩ về. Tuy dượng luôn hỏi han, quan tâm nhưng tôi không thể thân thiết với ông như trước nữa.
5 ngày trước, đang làm thì tôi nhận được điện thoại của mẹ, bảo tôi về nhà gấp, dượng bị tai nạn lao động, sắp không qua khỏi rồi. Tim tôi như lỡ một nhịp đập trước tin đó và tiếng khóc nấc của mẹ. Lúc này, tôi mới ý thức được rằng, dượng là một người quan trọng trong cuộc đời của mình. Vợ chồng tôi tất tả về nhà ngay sau 3 tiếng đồng hồ.
Lúc tôi vào nhà, dượng đã hấp hối rồi. Thấy tôi, ông đưa mắt nhìn như muốn gọi tôi tới bên cạnh. Tôi nắm lấy tay dượng, khóc nức nở. Ông thì thào, trăng trối những điều cuối cùng khiến tôi càng ân hận hơn. Dượng xin lỗi tôi về cái tát 5 năm trước và bảo mẹ tôi hãy để lại căn nhà, mảnh đất cho tôi. Còn 2 em thì nhận mảnh đất riêng do ông tự tạo lập, tự mua bằng tiền của mình với diện tích khá nhỏ, chỉ hơn 100m2/mảnh thôi.
Lời trăng trối của bố khiến các em khó chịu nhưng không thể hiện ra. Đến khi tang lễ xong xuôi, các em mới họp nhau lại, bảo mẹ phân chia tài sản cho hợp lí hơn vì nếu để đất nhà cho vợ chồng tôi thì các em sẽ chịu thiệt thòi. Thật ra, tôi không cần tài sản gì cả, tôi chỉ cảm thấy hối hận và mang ơn dượng thôi. Nếu các em thích, tôi sẵn lòng nhường lại đất đai cho các em. Vấn đề là mẹ tôi khăng khăng dựa vào lời trăng trối của dượng để làm di chúc phân chia tài sản. Tôi không muốn vì tranh chấp mà ảnh hưởng đến tình nghĩa chị em, phải làm sao để giải quyết êm thấm chuyện này đây?