Luật sư thấy "lạnh người" khi cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN bị đề nghị án tử hình

Hoàng Đan |

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nêu trong phần tranh luận rằng, nghe thân chủ bị đề nghị mức án tử hình ông thấy "lạnh người".

Luật sư nói "Nguyễn Xuân Sơn không ngoan cố, ngụy biện"

Tham gia bào chữa tại phiên tòa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Viện Kiểm sát đã bỏ qua những chi tiết quan trọng "đẩy" Nguyễn Xuân Sơn vào "con đường chết".

Vị luật sư cũng cho rằng thân chủ của mình không ngoan cố, ngụy biện. Việc bị cáo Sơn không khai báo ra một lãnh đạo cấp cao nào đó nhận tiền quà Tết thể hiện đúng tâm lý của doanh nghiệp.

Luật sư Tâm chia sẻ khi nghe thấy thân chủ của mình bị đề nghị mức án tử hình ông thấy "lạnh người".

Theo ông Tâm, bị cáo Sơn không thể lợi dụng uy tín của PVN, sự lệ thuộc của Oceanbank vào PVN để chiếm đoạt tài sản.

"Chúng tôi khẳng định điều này vì trước khi Sơn về Oceanbank, giữa PVN và Oceanbank đã có văn bản thỏa thuận cam kết ký ngày 8/9/2008. Thời điểm này Sơn chưa dính dáng gì bởi đang làm trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt", ông Tâm nêu.

Đồng thời, luật sư Tâm cũng dẫn chứng tại điều 4.2 của bản thỏa thuận có cam kết giữa PVN và Oceabank, trong đó bên A hỗ trợ Oceanbank về mặt tài chính, vốn phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc thành viên của bên A sử dụng dịch vụ của Oceanbank.

Bào chữa về cáo buộc Sơn chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng, trong đó có 49 tỷ đồng của PVN, luật sư Tâm nói trong quá trình điều tra truy tố xét xử, Sơn thừa nhận bản thân nhận tiền của Thắm dùng để đưa đối ngoại cho PVN, nhưng không khai vì không muốn ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn lớn.

Ngoài ra, theo luật sư lời khai của Thắm cũng là nguồn chứng cứ để chứng minh việc Sơn có tội hay không.

Về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và OceanBank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính Chủ tịch HĐTV PVN lúc đó ký với Hà Văn Thắm với các cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ OceanBank thực hiện các dịch vụ ngân hàng.

Hơn nữa, sau đó tinh thần và nội dung văn bản thỏa thuận này còn được chính Tổng Giám đốc PVN và đích thân Chủ tịch PVN quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản đã nêu trên.

"Từ đó có thể suy ra, ở PVN không ai có thể làm trái thỏa thuận cam kết đó để thực hiện mục đích cá nhân, kể cả Nguyễn Xuân Sơn.

Tài thánh cũng không cho phép Sơn làm trái quy định này văn bản này. Nguyễn Xuân Sơn có dám dùng tư cách cá nhân yêu cầu các đơn vị gửi tiền vào PVN hay không? Đương nhiên là không!

Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân", luật sư nêu.

Luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm nói gì?

Trước đó, luật sư, bào chữa cho Hà Văn Thắm, luật sư Phạm Anh Tín nhìn nhận tổng quan vụ đại án Oceanbank có 2 hành vi chính là chi 69 tỷ của BSC và chi 1.500 tỷ của Oceanbank.

Luật sư thấy lạnh người khi cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN bị đề nghị án tử hình - Ảnh 1.

Hà Văn Thắm tại tòa.

Theo luật sư, nhờ chi lãi ngoài mà Oceanbank có lợi nhuận rất lớn trong giai đoạn đó do vậy không thể khẳng định chi lãi ngoài gây thiêt hại cho nhà băng này. Vụ án này có một tội duy nhất là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nêu quan điểm về cáo việc VKS cáo buộc thân chủ mình về tội Tham ô, ông Tín nói đây là nhóm tội tham nhũng, được hiểu là hành vi phạm tội làm thiệt hại tiền của của nhà nước. 

"Điều đó phải chống đến nơi đến chốn, tham ô là biển thủ tài sản đó vào túi mình", ông Tín trình bày.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (luật sư thứ 2 bào chữa cho Hà Văn Thắm) tiếp tục nêu quan điểm về cáo buộc của VKS cho rằng thân chủ mình Vi phạm các quy định cho vay. Vị luật sư cho rằng cần làm rõ việc Oceanbank mất hay không mất 500 tỷ khi cho Công ty Trung Dung vay.

Luật sư Thiệp cho rằng phần trình bày của đại diện ngân hàng Đại Tín tại tòa như thể muốn né tránh trách nhiệm, nghĩa vụ khi buộc Oceanbank phải hoàn trả số tiền 500 tỷ cho Công ty trung Dung vay đến nay chưa thu hồi được.

Ông Thiệp nói Đại Tín vi phạm cam kết 3 bên khi giải ngân 500 tỷ mà chưa có văn bản chấp thuận của Oceanbank.

"Nếu Đại Tín thực hiện nghiêm thì làm sao 500 tỷ này rút ra chi dùng sai mục đích dẫn đến tình trạng mấy khả năng thanh khoản", ông Thiệp nêu quan điển.

Bào chữa cho Thắm về cáo buộc Cố ý làm trái khi chi lãi ngoài trái quy định 1.500 tỷ đồng, luật sư Thiệp cho hay, trong quá trình điều tra và tại tòa, Hà Văn Thắm hoàn toàn thừa nhận việc chi lãi ngoài là trái quy định.

Bị cáo Thắm không thanh minh về vấn đề này, thừa nhận số liệu. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản luật sư này cho rằng cần đi sâu để xem có thiệt hại hay không mới là mấu chốt để xem bị cáo có phạm tội hay không.

Đồng thời, trước khi xem xét tội của các bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét tới hoàn cảnh. Hoàn cảnh bắt buộc Thắm phải làm theo xu thế và yêu cầu khách quan lúc bấy giờ. Bản thân Thắm không muốn thực hiện chi lãi ngoài nên khi có chỉ thị của Thống đốc, Thắm đã thực hiện nghiêm túc.

Luật sư này cho rằng thân chủ của mình không phạm tội. Việc chi lãi ngoài không gây hậu quả nên không phải bồi thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại