"Chứng minh tội phạm xâm hại tình dục rất khó khăn"
Ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng chưa đủ căn cứ vững chắc để quy kết bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, ngụ tại TP Vũng Tàu) có hành vi dâm ô với bé gái thứ hai. Từ đó HĐXX quyết định sửa một phần án sơ thẩm để tuyên bị cáo Thủy mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng.
Ngay sau khi bản án được tuyên, dư luận đã bày tỏ sự bất bình với những phản hồi mạnh mẽ.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là hành vi dâm ô thì những chứng cứ rất khó thu thập. Vì thường không để lại dấu vết, không có người làm chứng, khi phát hiện vụ việc đã xảy ra từ lâu nên gặp nhiều khó khăn.
Nhiều vụ việc đã để lại hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gây hoang mang trong xã hội và thường một kẻ biến thái sẽ xâm hại tình dục đối với nhiều người, nhiều lần. Vì vậy những người sống xung quanh, gần khu vực có kẻ biến thái sẽ luôn ở trong tình trạng nguy hiểm.
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Cường, để buộc tội một người thì phải chứng minh hành vi của họ thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, việc chứng minh đối với loại tội phạm xâm hại tình dục lại rất khó khăn.
Bởi Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tội phạm đến đâu thì xử lý đến đó, tránh oan sai nhưng cũng không được phép bỏ lọt.
Trong vụ án của ông Nguyễn Khắc Thủy, những người bị hại tố cáo là ông này đã xâm hại tình dục với 4 trẻ em bằng hành vi dâm ô với trẻ em.
Nhưng trong quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chứng minh được là ông Thủy dâm ô với 2/4 trẻ em, vì vậy đã kết tội ông này theo quy định tại Khoản 2, Điều 116 Bộ luật Hình sự 1999 với mức hình phạt là 3 năm tù.
Tại Khoản 2, Điều 116 Bộ luật Hình sự thì hình phạt được quy định từ 3 năm đến 7 năm tù. Còn Khoản 1, Điều 116 Bộ luật Hình sự thì hình phạt chỉ có từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, ông Thủy đã dâm ô với nhiều người (2 người là cháu D. và cháu A) nên áp dụng Khoản 2, Điều 116 BLHS, tuy vậy, do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đã xử ông Thủy ở mức thấp nhất của khung hình phạt là 3 năm tù.
Vì sao toà phúc thẩm giảm mức hình phạt cho bị cáo Thủy?
Theo luật sư Cường, sau khi ông Thủy sáng cáo, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm, thấy rằng chưa đủ căn cứ vững chắc để quy kết bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với bé gái thứ hai.
Từ đó HĐXX xác định ông này không có hành vi dâm ô với bé gái thứ hai như bản án sơ thẩm đã quy kết và sửa một phần án sơ thẩm để tuyên bị cáo mức án 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng.
Việc ông Thủy được giảm mức hình phạt ở tòa phúc thẩm, theo luật sư Cường có hai lý do.
Trước hết, do vấn đề chứng minh tội phạm, cơ quan buộc tội là Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ chứng minh được ông Thủy phạm tội với một người nên chưa đủ cơ sở để áp dụng Khoản 2, Điều 116 Bộ luật Hình sự.
Lý do thứ hai là áp dụng những điểm mới tiến bộ, nhân đạo của Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, khi ông Thủy tiếp tục kháng cáo kêu oan, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, đến nay chỉ đủ căn cứ xác định ông Thủy dâm ô với một trẻ em là cháu D. nên chỉ đủ căn cứ để buộc tội theo Khoản 1, Điều 116 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Mức hình phạt mà tòa án cấp phúc thẩm áp dụng ở đây là nằm ở giữa khung của Khoản 1, Điều 116 Bộ luật Hình sự 18 tháng tù.
Bị cáo Thủy. Ảnh: Pháp luật TP HCM.
Lý do bị cáo Thủy được hưởng án treo
Theo luật sư Cường, khi xác định ông Thủy chỉ dâm ô với một trẻ em thì chỉ đủ căn cứ xử lý ông này theo Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Từ đó kéo theo việc ông Thủy được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 là phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm i), tình tiết giảm nhẹ thứ hai là người phạm tội từ 70 tuổi (điểm o).
Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã áp dụng quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/ NQ-HĐTP để cho ông Thủy, 77 tuổi được hưởng án treo.
Điều kiện để hưởng án treo là bị kết án không quá ba năm, có nơi cư trú rõ ràng, có từ hai tình tiết giảm nhẹ theo điều năm mốt, không có tình tiết tăng nặng và điều kiện cuối cùng là có khả năng cải tạo.
Về trách nhiệm chứng minh tội phạm, mức độ chứng minh tội phạm trong vụ án, luật sư Cường nêu rõ, những điểm mới và chính sách nhân đạo trong Bộ luật Hình sự 2015, và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã giúp ông Thủy thoát án tù giam.
Nội dung này nằm ở nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc chứng minh tội phạm, nguyên tắc tranh tụng và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, căn cứ vào các quy định cụ thể như quy định tại Khoản 2, Điều 38 BLHS là không áp dụng hình phạt tù với tội phạm ít nghiêm trọng có nơi cư trú rõ ràng.
Hình phạt bổ sung của tội này là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Tuy nhiên, bị cáo Thủy đã 77 tuổi nên tòa không áp dụng.
Có ý kiến cho rằng cần cấm không cho bị cáo Thủy được chung sống trên địa bàn có bị hại cư trú, chỉ cần có một hành vi vi phạm nào liên quan đến việc tấn công tình dục thì ngay lập tức chuyển sang hình phạt tù. Tuy nhiên, hình phạt bổ sung của tội đó không có quy định này và căn cứ để chuyển từ án tù treo sang án tù giam không có trường hợp này.
"Vụ án không kết thúc ở đây bởi ông Thủy vẫn kêu oan và người bị hại không đồng ý với kết quả của bản án phúc thẩm, dư luận xã hội không đồng tình với bản án, mức án..
Vụ án có thể vẫn tiếp tục được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu như các bên vẫn tiếp tục khiếu nại theo thủ tục này", luật sư Cường nêu rõ.
Luật sư cho rằng, các kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em cần phải được phát hiện và nghiêm trị.
Tuy nhiên việc buộc tội, chứng minh tội phạm cần tuân thủ các quy định của pháp luật, thận trọng trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và chứng minh tội phạm để tránh oan sai nhưng không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo công bằng cho các bên, ổn định trật tự xã hội.
Nhiều luật sư phản đối việc giảm án
Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM), người từng theo đuổi vụ việc cho đến khi vụ án được khởi tố cho rằng, bản án phúc thẩm tuyên đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy là quá nhẹ, chưa đủ sức nặng để trừng trị bị cáo và răn đe xã hội.
Hơn nữa, việc bị cáo thực hiện hành vi dâm ô với đối tượng là trẻ em thì bản án 18 tháng tù treo càng không đủ nghiêm khắc. Việc áp dụng các tình tiết "già yếu, bệnh tật, có cống hiến" để giảm nhẹ là chưa phù hợp.
"Tại phiên toà sơ và phúc thẩm, Bị cáo Thuỷ không nhận tội, còn đe doạ sẽ kiện ngược (trước đó doạ kêu giang hồ Hải Phòng xử lý, đốt thẻ đảng), hai luật sư bào chữa cho Bị cáo đều kịch liệt đề nghị toà tuyên vô tội nhưng kết quả, toà vẫn tuyên án tù nhưng cho hưởng án treo.
Nghĩa là công lý có nhưng mức án nhẹ gây phẫn nộ và có thể làm mọi người thất vọng", luật sư Luân nêu.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) khẳng định trên báo Thời đại, việc HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm mức án từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo là một điều vô lý.
Bà Ngọc Nữ nói: "Thật khó để chấp nhận việc một người phạm tội "Dâm ô với trẻ em" như Thủy lại được thay đổi bản án sơ thẩm nhiều đến vậy.
Đã phạm tội, đặc biệt với trẻ em thì không thể nào cho hưởng án treo, cho tại ngoại được. Dù cho bị cáo tuổi cao sức yếu, miễn còn đi lại, nhận thức được thì phải chịu sự trừng trị của pháp luật cho hành vi phạm tội của mình".
Điểm b Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của HĐTP TAND Tối cao: khi xem xét, quyết định cho người bị án phạt tù được hưởng án treo cần lưu ý không áp dụng án treo cho tội phạm bị dư luận xã hội lên án để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung…