Luật sư của ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh kỳ vọng gì vào phiên tòa ngày mai?

Hoàng Đan |

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Hà Nội) cho hay, trong ngày 6/1, ông đã vào trại tạm giam T16 (Bộ Công an) tiếp xúc với thân chủ Đinh La Thăng lần cuối trước khi diễn ra phiên xử.

Ngày 8/1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 11 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 8 bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản.

Riêng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng GĐ PVC Vũ Đức Thuận, Tổng GĐ PVC bị truy tố cả hai tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sẽ có 42 luật sư tham gia bào chữa cho các bị can tại phiên toà. 

Ông Đinh La Thăng mời 3 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa gồm các ông: Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng.

Trao đổi với PV vào chiều 7/1, luật sư Phan Trung Hoài (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho phiên tòa diễn ra vào ngày mai.

Từ chối cung cấp thêm các thông tin liên quan đến thân chủ nhưng luật sư Hoài đánh giá, đây là vụ án được nhiều người quan tâm và có "những khó khăn". Ông cũng kỳ vọng, phiên tòa sẽ diễn ra khách quan, đúng luật.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Hà Nội) cho hay, trong ngày 6/1, ông đã vào trại tạm giam T16 (Bộ Công an) tiếp xúc với thân chủ Đinh La Thăng lần cuối trước khi diễn ra phiên xử.

Ông Thiệp cũng từ chối cung cấp các thông tin về thân chủ của mình nhưng ông kỳ vọng, phiên tòa sẽ có sự thay đổi tư duy, quan điểm, phương pháp tranh luận.

"Việc tranh luận và tranh tụng tại phiên tòa cần được thực hiện theo đúng nghĩa để làm rõ nội dung cáo buộc bị cáo phạm tội", ông nói.

Luật sư cũng mong đại diện VKS sẽ có những phần tranh luận, trả lời xác đáng từng nội dung luật sư đặt ra.

Một số luật sư bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanh cũng từ chối trả lời các vấn đề liên quan đến thân chủ, vụ án nhưng kỳ vọng toà án sẽ có những cách đánh giá khách quan, toàn diện, đúng pháp luật để giải quyết vụ án.

Đồng thời, toà sẽ tạo điều kiện thoải mái cho cho tất cả những người tham gia tố tụng cũng như báo chí tác nghiệp.

Còn luật sư Lê Văn Thiệp (Hà Nội, một trong các luật sư bảo vệ cho bị can Trịnh Xuân Thanh) cho hay, việc phiên toà xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh không có vành móng ngựa là áp dụng theo quy định mới bắt đầu từ đầu năm 2018.

Theo đó, thực hiện Thông tư 01 quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, do Chánh án TAND Tối cao ký, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa.

Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích, việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo.

Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.

Việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc "Suy đoán vô tội " và "Giả định phạm tội" được tôn trọng.

Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì "không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án". 

Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định nguyên tắc này tại điều 13 với tên gọi mới là "Nguyên tắc suy đoán vô tội".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại