Xã hội cần lên án cả hành vi của cô giáo lẫn phụ huynh
Vài ngày qua, dư luận đang ồn ào về vụ phụ huynh bị tố bắt ép cô giáo phải quỳ xin lỗi. Có ý kiến cho rằng đây là, vụ việc nghiêm trọng, cần khởi tố vụ án và xử lý hình sự người bị tố bắt cô giáo quỳ.
Trao đổi với PV, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trong vụ việc phụ huynh bị tố ép cô giáo quỳ xin lỗi thì lỗi trước hết thuộc về cô giáo khi đã có việc làm không đúng là bắt học sinh phải quỳ khi phạm lỗi.
"Việc cô giáo bắt học sinh phải quỳ khi phạm lỗi là sự sỉ nhục đối với trẻ em và rõ ràng, việc làm đó hoàn toàn sai, phản sư phạm giáo dục, phải có sự kiểm điểm, xử lý cô.
Tuy nhiên, việc phụ huynh bị tố ép cô quỳ xin lỗi chính là cái sai tiếp nối cái sai và cái sau nếu đúng nặng hơn cái trước. Việc làm đó cũng là sự sỉ nhục đối với cô và rõ ràng, vị phụ huynh đó đã thiếu đi sự bình tĩnh cần thiết.
Ở đây, xã hội cần lên án cả hai hành vi đó và có xử lý nghiêm khắc để răn đe, tránh xuất hiện sự việc tương tự trong tương lai", PGS Nhĩ nói.
Đối với ý kiến cho rằng, cần khởi tố vụ án, xử lý hình sự người bị tố bắt cô giáo quỳ, theo PGS Nhĩ là không cần thiết.
"Nếu tự dưng ông này đến hành hung, làm nhục cô giáo thì cần phải khởi tố, xử lý hình sự theo quy định.
Còn như tôi đã nói, sự thực là vị phụ huynh này quá bức xúc vì con mình bị cô giáo nhục mạ, bắt quỳ rồi không muốn đi học. Từ nguyên nhân đó, ông đã không kiềm chế được bản thân và có hành động như đã phản ánh là bị tố ép cô giáo quỳ.
Cá nhân tôi thấy hành động của ông này nếu đúng như vậy thì rất đáng lên án, phê phán, kiểm điểm nghiêm khắc còn về truy cứu trách nhiệm hình sự thì tôi thấy cần nghiên cứu thật kỹ.
Bởi nếu như ta làm quá đáng lên thì sẽ đưa đến dư luận không hay, giống như hai đứa trẻ ăn cắp bánh mỳ rồi bị đưa ra khởi tố, xét xử... Việc làm như vậy sẽ cho mọi người thấy rất nặng nề, lãng phí thời gian không đáng có", PGS Nhĩ nhấn mạnh.
Cũng trao đổi với PV, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này đang có hai luồng quan điểm khác nhau giữa cô giáo, một số người chứng và vị phụ huynh bị tố ép cô giáo quỳ xin lỗi.
Ảnh quang cảnh trường. Ảnh: Lao động.
"Cô giáo và một số người làm chứng cho rằng bị bắt phải quỳ còn vị phụ huynh lại nêu, không có chuyện bắt ép cô giáo quỳ cũng như đã xin lỗi.
Ở đây là vấn đề liên quan đến nhân phẩm, danh dự con người, do đó, theo quy định phải có đơn của cô giáo hoặc nhà trường thì cơ quan công an mới tiến hành tiếp nhận vụ việc, xác minh, lấy lời khai... còn không đây sẽ chỉ được xem như việc nội bộ giải quyết", luật sư Cường nói.
Vị luật sư cho biết thêm, sau khi xác minh, nếu cơ quan công an chứng minh được phụ huynh này có những lời nói, hành vi đe dọa, uy hiếp cô giáo phải quỳ xuống thì mới có dấu hiệu của tội làm nhục người khác.
"Khi chứng minh được thì mới có thể khởi tố vụ án, bị can còn trong trường hợp kết quả xác minh chỉ thấy rõ cô giáo tự quỳ, không phải do sự ép buộc, đe dọa từ phía phụ huynh này thì sẽ phải có sự kiểm điểm, xử lý cô giáo.
Bởi lẽ, cô giáo tự quỳ là hành vi ứng xử không phù hợp với giáo viên và việc cô giáo bắt học sinh quỳ khi vi phạm cũng không đúng với các quy định của ngành giáo dục", luật sư Cường nêu.
Chưa đủ căn cứ xử lý hình sự
Luật sư Ngô Hương Giang (Hà Nội) nêu rõ, nếu xét theo điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 thì chưa thể khởi tố hình sự người bắt cô giáo phải quỳ.
Bởi lẽ, hành vi này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và cô giáo có thể lựa chọn phương án khác.
Theo luật, tội làm nhục người khác là phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định mức độ nghiêm trọng không chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay bị hại mà còn dựa vào các yếu tố khác như trình độ nhận thức, mối quan hệ xã hội...
Tuy nhiên, việc ép quỳ của phụ huynh với cô giáo nếu đúng thì cần phải lên án và có hình thức kiểm điểm nghiêm khắc, tránh tái diễn.
Trong chiều 9/3, trao đổi với PV, đại diện Công an tỉnh Long An cho hay, công an địa phương có gặp gỡ một số người để ghi nhận vụ việc tại Trường tiểu học Bình Chánh. Tuy nhiên, công an chỉ ghi nhận chứ không điều tra theo hướng làm rõ vụ án hay tội phạm.