Phản ánh đến báo điện tử VnMedia, gia đình chị V.T.T (Thôn Miếu Gỗ- Xã Ngọc Thanh- Phúc Yên- Vĩnh Phúc) bức xúc cho biết, sáng nay 28/07/2016, sau trận mưa bão, cây bạch đàn trước cửa gia đình nhà chị bị đổ vào đường dây điện của thôn, gây ra tình trạng mất điện.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Bình - Chủ nhiệm HTX Điện An Lập đã đến gặp gia đình và đề nghị giải quyết nội bộ vụ việc này. Ông Bình yêu cầu gia đình phải bồi thường 1,5 triệu đồng tiền phí khắc phục đường dây. Nếu gia đình không đồng ý nộp tiền, hợp tác xã sẽ phạt theo luật là 10 triệu đồng. Thậm chí, nếu kiện cáo, thì hợp tác xã sẽ cho cắt điện toàn bộ thôn.
Lo sợ cả thôn bị cắt điện, gia đình chị T. đã vay mượn tiền để nộp cho ông Bình 1,5 triệu đồng. Theo xác nhận của chị T., gia đình chị đã trực tiếp đưa tiền cho ông Bình và không có bất cứ hóa đơn chứng từ nào.
“Cây bạch đàn nhà tôi trồng nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Và được trồng từ trước khi lắp đặt đường dây này. Tôi được biết không có luật nào quy định người dân phải bồi thường vì cây đổ vào đường dây diện.
Đây là sự cố không ai mong muốn vì vậy các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giúp người dân. Đằng này, họ lại vòi vĩnh, yêu cầu người dân phải nộp tiền khắc phục khiến cả thôn vô cùng bức xúc”- trong đơn chị T. viết.
Xác nhận với phóng viên, ông Bình – Chủ nhiệm hợp tác xã Điện An Lập phủ nhận hoàn toàn việc có nhận 1,5 triệu đồng tiền của gia đình nhà chị T. Để làm rõ vụ việc, PV đã liên hệ với Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc và lãnh đạo huyện Phúc Yên. Ngay sau khi nhận được phản hồi, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành điện, trên thực tế, mô hình Hợp tác xã bán điện cho người dân nông dân đang tồn tại rất nhiều bất cấp. Cụ thể, các hợp tác xã điện đều được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng thế giới để đầu tư hạ tầng điện như đường dây, đồng hồ đo điện...
Sau đó, đường dây điện các xã được đấu nối trực tiếp với đường dây điện quốc gia do Tập đoàn EVN đầu tư. Trong khi đó, giá bán điện của các hợp tác xã lại cao hơn rất nhiều so với giá điện mà EVN bán trực tiếp cho dân. Chính vì vậy, mô hình hợp tác xã đứng ra bán điện cho người dân không còn phù hợp cần phải xóa bỏ.