Thời điểm vụ án bị khởi tố, cả nước có 280 TTĐK được chia thành các khối V (trực thuộc Cục Đăng kiểm); khối S (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh/thành phố) và khối D (tư nhân). Vụ án này liên quan nhiều TTĐK thuộc cả 3 khối trên. Riêng hành vi đưa và nhận hối lộ, VKSND TP HCM truy tố ở các TTĐK khối D, V.
Các bị cáo là các cựu lãnh đạo, đăng kiểm viên thuộc các TTĐK khối V khai hành vi nhận hối lộ của các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi khi kiểm định nhằm gia tăng thu nhập và tạo quỹ hoạt động cho trung tâm. Số tiền nhận hối lộ được phân chia như sau: chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại trung tâm; 1 phần làm quỹ ngoại giao và phần còn lại để chung chi cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm.
Thời kỳ bị cáo Trần Kỳ Hình làm Cục trưởng, bị cáo nhận hối lộ từ lãnh đạo các TTĐK và biết nguồn gốc số tiền. Tuy nhiên, bị cáo không quy định cụ thể bao nhiêu tiền hay thời gian phải nộp tiền. Đến thời điểm bị cáo Đặng Việt Hà lên làm Cục trưởng, bị cáo này yêu cầu quyền lợi của mình phải cao nhất. Từ đó, các TTĐK khối V đã nộp tiền hối lộ hàng tháng cho bị cáo với mức 8.000-15.000 đồng/phương tiện (tuỳ từng loại xe). Để thuận lợi cho việc nộp tiền, từ tháng 4-2022, bị cáo Hà đưa ra quy định các giám đốc TTĐK phải ra Hà Nội họp giao ban hàng tháng.
Các bị cáo tại TTĐK 50-05V và chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình, TP HCM) thừa nhận đã nhận hối lộ từ người đi đăng kiểm từ năm 2014 đến tháng 12-2022. Việc đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm để không bị gây khó khăn trong công việc.
Tại trụ sở chính của TTĐK này, các bị cáo phân công cho đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 (luân phiên thay đổi người) nhận tiền bằng cách leo lên cabin xe người đi đăng kiểm để kiểm tra tiền hối lộ trong các vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ trên cabin xe, bao thuốc lá để trên cabin... (khoảng 100.000 – 200.000 đồng). Tại chi nhánh Hồng Hà, sau khi kiểm tra, đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ không bật đèn xi nhan của phương tiện nếu có tiền hối lộ.
Trường hợp người đi đăng kiểm có quen biết với đăng kiểm viên trong chuyền thì trực tiếp đưa tiền cho đăng kiểm viên. Ngoài ra, các đăng kiểm viên còn móc nối với các đối tượng môi giới gồm nhân viên bảo vệ tại TTĐK và các đối tượng "cò" bên ngoài nhận tiền hối lộ của người đi đăng kiểm để bỏ qua lỗi khi kiểm định.
Số tiền này đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ giữ đến cuối ngày tổng hợp, giao lại cho trưởng dây chuyền để chia theo tỉ lệ quy định.
Trường hợp trên xe không có tiền, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ, ghi nhận tất cả các lỗi và in phiếu kiểm định lần 1 "không đạt" đối với phương tiện. Lúc này, đăng kiểm viên sẽ yêu cầu người đi kiểm định phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lần 2.
Tại chi nhánh Hồng Hà, khi các phương tiện không đạt lần 1, chủ xe không mang xe ra ngoài sửa chữa mà liên hệ với đăng kiểm viên trong chuyền đưa hối lộ từ 150.000 – 500.000 đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần đăng kiểm lần 2. Đăng kiểm viên ở công đoạn "không đạt" sẽ lấy tiền và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện.
Từ năm 2014 đến 2022, TTĐK này đã kiểm định đạt cho 312.642 phương tiện các loại và nhận hơn 11,4 tỉ đồng.
Đầu tháng 7-2022, bị cáo Trần Anh Tú được bổ nhiệm làm phó giám đốc TTĐK 50-05V. Bị cáo Tú đã liên hệ với Ngô Ngọc Sơn (cựu giám đốc TTĐK 50-07V ở quận Bình Tân, TP HCM) và ghi âm cuộc nói chuyện truyền đạt lại chủ trương của bị cáo Đặng Việt Hà rằng: "Tất cả các Trung tâm khối V phải chia cho Đặng Việt Hà số tiền nhận hối lộ trên đầu phương tiện tuỳ vào từng loại xe từ 8.000 -15.000 đồng". Từ đây, Tú quán triệt chủ trương này đến nhân viên. Tính đến tháng 11-2022, cơ sở chính của TTĐK này nhận thêm 582 triệu đồng tiền hối lộ từ người đi kiểm định phương tiện.
Phiên tòa xét xử đã diễn ra từ ngày 18-7 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 18-10. Những ngày qua, bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm) liên tục phủ nhận việc đưa ra chủ trương, các mức chung chi như nội dung cáo trạng truy tố. Do đó, bị cáo Hà không đồng ý với cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hơn 40 tỉ đồng các bị cáo đã nhận hối lộ trong toàn bộ vụ án.