Sáng 15/1, kỳ họp bất thường lần thứ 5 cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là lần thứ tư Quốc hội cho ý kiến về dự luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai (sửa đổi) là xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước 1/7/2014.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, dự luật chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu tham gia có ý kiến là thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là "dự án đầu tư xây dựng khu đô thị".
Về phương pháp định giá đất, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ dự thảo luật quy định theo hướng rõ ràng về nội hàm các phương pháp định giá đất trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật đất đai.
Trong đó quy định cụ thể tại dự thảo luật các phương pháp định giá đất bao gồm: so sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh.
Đồng thời, quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất.
Báo cáo cho hay phương án được thể hiện tại dự thảo luật là phương án Chính phủ đề xuất. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết để áp dụng trong thực tế bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, sáng 22/11/2023, với 453/459 đại biểu có mặt đồng ý, Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất.
Nguyên nhân là dự luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo cũng cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.