Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, đề xuất công dân chỉ được sở hữu một ôtô và một biển số xe của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội chỉ là đề xuất bước đầu của cá nhân, còn phải qua nhiều khâu để xem xét, cân nhắc, đánh giá.
“Thông tin này cũng gần gần với thông tin trước đây mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy. Việc xử lý vấn đề sở hữu xe máy của công dân, một người được mua một xe hay mấy xe đã có giai đoạn gây tranh cãi”, ông Sơn kể.
Ông cho biết quyết định cuối cùng của cơ quan công quyền là “mua xe là quyền của công dân, là quyền sở hữu tài sản của công dân”.
Vì vậy, không vì một lý do nào đó mà hạn chế quyền mua tài sản của công dân. Quyết định mở ra, không bó lại việc mỗi người chỉ được mua một xe máy đã giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, băn khoăn...
Làm rõ việc hạn chế quyền mua ôtô
“Đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu một ôtô, một biển số cũng tương tự, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ”, nguyên Cục trưởng lưu ý.
Ông Sơn cho rằng, phải làm rõ căn cứ vào đâu để hạn chế quyền mua ô tô của công dân. Bởi vì muốn hạn chế quyền này của công dân phải có những điều kiện gắn với quy định của Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản.
“Tuy nhiên, hiện nay chưa tìm thấy ở đâu trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam nói đền vấn đề hạn chế quyền mua, quyền sở hữu xe ô tô của công dân cả”, ông Sơn khẳng định.
Điều 14 của Hiến pháp 2013 quy định: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Hiến pháp cũng khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng phải xem thử nội dung hạn chế đó có thật sự cần thiết không? Đồng thời, phải xem xét nguyên tắc Hiến pháp xác định thẩm quyền là cơ quan nào ban hành cơ chế hạn chế quyền mua và sử dụng xe ô tô của công dân....
Ông Sơn nhắc lại hàng loạt các dự thảo chính sách gần đây cũng đụng chạm đến quyền của công dân đã bị dư luận phản ứng và cuối cùng phải sửa lại.
Điển hình như gần đây có kiến nghị quy định buộc công dân phải đổi giấy đăng ký xe theo mẫu mới, sau sửa theo hướng chỉ áp dụng mẫu đăng ký mới những trường hợp đăng ký mới, còn những trường hợp giấy phép cũ đển gười dân tự chọn chứ không ép buộc đồng loạt….
Bộ Công an chưa chính thức có ý kiến
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: “Bộ Công an chưa chính thức có ý kiến về việc mỗi công dân chỉ được sở hữu một xe và cấp một biển số”.
Ông cũng khẳng định: “Đề xuất mỗi người chỉ được có một xe - nếu làm được như thế thì sẽ phù hợp với chủ trương của Chính phủ là giảm phương tiện cá nhân”.
Còn đề xuất mỗi công dân một biển số xe, theo ông Quân đã được nhiều nước áp dụng không phải sáng kiến gì của mình. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, phải có đánh giá, tính toán kỹ.
Đề xuất cũng có những mặt hợp lí cho việc quản lý, tuy nhiên Thiếu tướng nhìn nhận thay đổi này phải có đánh giá tác động, tính toán kỹ lưỡng về điều kiện, nguồn lực có đáp ứng thay đổi; đồng thời nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý.
Song song với đó, cần tính toán chi phí mất bao nhiêu để thay đổi hệ thống quản lý và đăng ký phương tiện hiện tại, tính toán giải pháp đối với những xe đã đăng ký trước đây ra sao.
Vấn đề này Cục Cảnh sát giao thông nên có những nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể.
“Bộ Công an chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này, nhưng theo hướng chung thì có ích lợi tốt thì ủng hộ, đương nhiên sẽ có những chuyện phát sinh cần phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Quân nói.