Luật Bảo vệ biên giới mới của Trung Quốc khiến Ấn Độ như “ngồi trên lửa”

Hồng Anh |

Việc thông qua Luật Bảo vệ và quản lý biên giới đất liền báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Ấn Độ về vấn đề tranh chấp biên giới.

Lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở khu vực biên giới Galwan năm 2020. Ảnh: AFP.

Lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở khu vực biên giới Galwan năm 2020. Ảnh: AFP.

Ngày 23/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật mới về bảo vệ và quản lý biên giới đất liền, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Tân Hoa Xã cho biết. Luật này không chỉ được áp dụng tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà còn cả vùng biên giới giáp với các quốc gia khác.

Tuy vậy, biên giới dài 3.500km giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo khu vực Ranh giới Kiểm soát (LAC) trên dãy Himalaya vẫn chưa được phân định và các chuyên gia lo ngại, luật mới có thể tạo ra những rào cản lớn trong việc giải quyết căng thẳng giữa các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước kéo dài suốt 17 tháng qua. Một số ý kiến khác cho rằng, điều cần phải xem xét không phải là luật pháp trong nước của Trung Quốc mà là ở hành động thực tế của họ.

Lý giải luật biên giới mới của Trung Quốc

Theo Tân Hoa Xã, Luật Biên giới đất liền khẳng định “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, vì thế cần phải “thực hiện các biện pháp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chống lại bất cứ hành động gây tổn hại nào”.

Luật mới quy định quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ biên giới chống lại mọi hành động "xâm lược, lấn chiếm, xâm nhập, khiêu khích". Các lực lượng này được phép sử dụng vũ khí trong trường hợp cần thiết “để chống lại những người vượt biên trái phép thực hiện hành vi tấn công, kháng cự”. Luật cũng quy định rằng Trung Quốc có thể đóng cửa biên giới trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hoặc xung đột vũ trang ở gần đe dọa an ninh biên giới nước này.

Bên cạnh đó, chính phủ có thể thực hiện các biện pháp “củng cố quốc phòng biên giới, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, mở cửa khu vực biên giới, cải thiện dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống và công ăn việc làm của người dân nơi đây”. Tuy nhiên, luật cũng yêu cầu nhà nước tuân thủ các nguyên tắc “bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, tham vấn hữu nghị, xử lý các vấn đề tranh chấp biên giới trên bộ với các nước láng giếng thông qua đàm phán”, bài báo trên Tân Hoa Xã cho biết.

Trung Quốc chia sẻ đường biên giới đất liền dài 22.457km với 14 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Mông Cổ và Nga. Không giống biên giới với Ấn Độ, biên giới giữa Trung Quốc với hai nước trên không bị tranh chấp.

Nhận xét về các quy định cụ thể của luật mới, ông Manoj Kewalramani, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Takshashila, Ấn Độ cho biết: “Đây là một đạo luật mở rộng, không chỉ giải quyết những vấn đề an ninh và các diễn biến tại khu vực biên giới mà còn liên quan đến quản lý, ủy quyền cho những cơ quan chủ chốt thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Điều này nằm trong nỗ lực tạo ra cấu trúc pháp lý, xác định trách nhiệm rõ ràng và thiết lập các khuôn khổ cho phép chính phủ hành động”. Ngoài ra, điều 10 của Luật Bảo vệ biên giới đất liền – kêu gọi kết hợp nỗ lực đảm bảo an ninh biên giới và phát triển kinh tế được coi là cơ sở để Trung Quốc thúc đẩy xây dựng các làng biên giới và khuyến khích người dân định cư ở đây.

Thông điệp cứng rắn gửi tới Ấn Độ

Luật Bảo vệ và quản lý biên giới đất liền được thông qua trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đang đàm phán giải quyết tình trạng căng thẳng tại các điểm nóng tranh chấp ở Đông Ladakh , báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán.

Ông D.S. Hooda, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Ấn Độ cho rằng, Luật giao trách nhiệm bảo vệ biên giới một cách rõ ràng cho quân đội Trung Quốc (PLA) – trái ngược với Ấn Độ vốn không quy định ai trong số các thành viên thuộc Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phụ trách vấn đề này.

“Có một sự khác biệt rõ ràng trong cách thức mà quân đội Trung Quốc phải thực hiện để quản lý biên giới. Với luật mới này, PLA sẽ chịu trách nhiệm lớn hơn vì thế họ sẽ khó rút lui khỏi các vùng biên giới. Nhìn chung, nó sẽ khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn”.

“Tại sao Trung Quốc lại thông qua luật mới khi tình hình biên giới giữa hai nước đang bế tắc? Rõ ràng là họ đang muốn gừi đi một thông điệp. Họ có thể yêu cầu nhiều hơn từ Ấn Độ và nói rằng đó là luật của chúng tôi, nếu các bạn muốn chúng tôi thương lượng thì đây là điểm mấu chốt”, chuyên gia D.S. Hooda cho biết thêm.

Cần xem xét hành động cụ thể của Trung Quốc

Một số nhà phân tích cho rằng, không nên chỉ nhìn vào Luật biên giới mới mà Trung Quốc vừa thông qua, các hành động của nước này trên thực tế mới là vấn đề quan trọng. Ông Gautam Bambawale – cựu Đại sứ Ấn Độ tại trung Quốc lưu ý, luật mới chỉ “nêu rõ những điều hiển nhiên”.

“Mọi quốc gia đều có trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đó là điều hiển nhiên. Câu hỏi lớn ở đây là lãnh thổ của họ giới hạn đến đâu và liệu các bên tranh chấp có nhất trí được với nhau hay không”.

Ông Gautam Bambawale lưu ý, luật này không có ý nghĩa gì đối với việc giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới mà hai nước đã đàm phán trong nhiều thập kỷ qua ngoại trừ việc nói rằng “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những tranh chấp này và điều đó vẫn luôn đúng ngay cả khi không có bất cứ luật lệ nào được thông qua”.

“Với việc thực thi các hành động quân sự bắt đầu từ tháng 5/2020, Trung Quốc cho thấy họ muốn giải quyết ranh giới với Ấn Độ, không phải thông qua đàm phán mà bằng cách sử dụng vũ lực”, cựu quan chức này nhấn mạnh.

Xây dựng các làng biên giới

Trung Quốc đã và đang xây dựng các làng phòng thủ biên giới trên khắp LAC. Vào tháng 7 năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một ngôi làng ở Tây Tạng giáp với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Ngay cả trước khi Trung Quốc thông qua luật biên giới mới, Tư lệnh quân khu miền Đông của Ấn Độ, tướng Manoj Pande cho biết, việc Bắc Kinh thành lập các ngôi làng biên giới nhằm phục vụ cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự đã khiến nước này lo ngại.

“Trung Quốc đã xây dựng các làng kiểu mẫu ở biên giới, dựa trên chính sách hoặc chiến lược riêng của họ. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người định cư ở đó. Đối với chúng tôi đây là vấn đề đáng quan tâm và chúng tôi đã đưa vấn đề này vào kế hoạch hành động của mình”.

Nhà phân tích D.S. Hooda cho rằng, Trung Quốc “muốn sử dụng lực lượng dân sự để củng cố các yêu sách của nước này”: “Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng không chỉ thông qua sự hiện diện về quân sự mà còn cả sự hiện diện dân sự. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cộng đồng dân cư ở gần LAC hơn”.

Giống như việc triển khai tàu cá dân sự để phục vụ cho chiến lược bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc cử những người chăn thả gia súc vào các khu vực biên giới hoang vu trên dãy Himalaya trước khi triển khai quân đội, để tạo ra tình huống tranh chấp sau đó áp đặt tuyên bố chủ quyền. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp Bắc Kinh từng bước thực hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại