Ngày 21/1/2020, phiên toà luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khai mạc tại Thượng viện. Ngay trong phiên họp đầu tiên đã xảy ra cuộc cãi lộn gay gắt và cáo buộc lẫn nhau giữa các thành viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về các quy tắc của phiên tòa.
Sự chia rẽ sâu sắc giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ
Lãnh đạo đa số của đảng Cộng hoà trong Thượng viện Mitch McConnell đã tìm cách ngăn cản việc triệu tập các nhân chứng hoặc được đọc các tài liệu liên quan. Những người bênh vực Tổng thống cũng kêu gọi tha bổng cho ông ngay lập tức.
Các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ nói rằng, phiên tòa đã bị những người của đảng Cộng hoà gây rối khi đưa ra các thủ tục vô lý để ngăn cản việc cung cấp các bằng chứng cho Uỷ ban luận tội và coi đây là hành động "che giấu tội phạm".
Ông Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực Tổng thống của mình đe doạ ngừng viện trợ quân sự cho Kiev để gây sức ép, buộc người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Joe Biden - ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ chạy đua với ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11/2020 tới về tội tham nhũng - và cấm nhân viên Nhà Trắng ra làm chứng trước Hạ viện, cản trở Quốc hội trong việc điều tra hành vi của mình với tư cách là Tổng thống.
Ông Trump cáo buộc ông J. Biden tham nhũng, viện dẫn việc con trai ông này là Hunter Biden được cơ cấu giữ vị trí béo bở trong ban lãnh đạo công ty khí đốt Borisma của Ukraine, trong khi cha anh lúc đó lại đang là Phó Tổng thống và phụ trách quan hệ Mỹ-Ukraine.
Tổng thống D. Trump đã phủ nhận tất cả các cáo buộc và lập luận rằng ông không phạm tội hay làm bất cứ điều gì trái với pháp luật.
Các thượng nghị sĩ đều đã tuyên thệ sẽ là những bồi thẩm viên công bằng để nghe những tố tụng và tranh luận pháp lý sáu giờ một ngày, và sáu ngày một tuần trong một phiên tòa do John Roberts, chánh án tòa án tối cao và là thẩm phán cao nhất trong hệ thống tư pháp của Mỹ, chủ trì.
Đây là lần thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, một Tổng thống phải đối mặt với một phiên toà của Quốc hội có thể dẫn đến việc bị phế truất. Hiện chưa rõ phiên tòa xét xử Trump sẽ kéo dài bao lâu.
Liệu Tổng thống D. Trump có bị kết án và phế truất?
Các nhà phân tích chính trị nhận định rằng, khả năng Tổng thống D. Trump bị kết án tại Thượng viện là rất thấp, do đảng Cộng hoà chiếm đa số. Hạ viện Mỹ, do phe Dân chủ kiểm soát, đã thông qua quyết định luận tội Tổng thống hồi tháng trước. Trong khi Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ quyết định việc liệu ông Trump có bị kết tội và có bị bãi nhiệm hay không.
Để buộc tội và phế truất Tổng thống, cần phải có 2/3, tức là 67 trong số 100 ghế ở Thượng viện biểu quyết tán thành. Giới phân tích dự đoán khả năng Tổng thống Trump bị Thượng viện buộc tội và phế truất hầu như loại trừ vì đảng Cộng hòa có tới 53 ghế, còn đảng Dân chủ chỉ có 47 ghế. Trong tình hình như vậy, Thượng viện rất khó có thể hội đủ số phiếu để đánh bại ông Trump.
Ảnh: Reuters
Lãnh đạo đa số Cộng hoà ở Thượng viện Mitch McConnell muốn phiên toà áp dụng các quy tắc cơ bản để ngăn chặn sự có mặt của các nhân chứng hoặc công bố các tài liệu liên quan. Ông đưa ra một chương trình nghị sự như sau:
7 thành viên của Nhóm Trách nhiệm giải trình của Hạ viện sẽ trình bày diễn văn khai mạc, giải thích rõ bản chất của các cáo buộc chống lại Trump. Đội ngũ pháp lý bảo vệ Trump phát biểu, sau đó sẽ cho phép các Thượng nghị sĩ đặt câu hỏi bằng văn bản. Tiếp theo, Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu xem có cần thêm bằng chứng hoặc nhân chứng hay không?
M. McConnell nói "Các đề xuất của chúng tôi là rất công bằng và không thiên vị", nhưng rõ ràng đây là các bước nhằm ngăn cản quá trình luận tội D. Trump.
Đảng Cộng hoà tìm mọi cách bênh vực cho Tổng thống D. Trump
Adam Schiff, người lãnh đạo nhóm Dân chủ ở Thượng viện nói trong tuyên bố mở đầu rằng, hầu hết người Mỹ "không tin sẽ có một phiên tòa công bằng. Họ không nghĩ Thượng viện sẽ làm việc vô tư. Họ tin rằng kết quả luận tội đã được chuẩn bị trước."
Ông nói thêm rằng, người đứng đầu phe đa số của đảng Cộng hòa M. McConnell muốn phiên tòa "kết thúc càng sớm càng tốt", và "đó là một cuộc rút lui hoàn toàn, rằng phiên tòa sẽ kết thúc trước khi đưa ra bằng chứng".
Đảng Cộng hòa ủng hộ Trump tìm cách càng rút ngắn phiên toà được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhóm luật sư bào chữa cho Tổng thống trước đó đã yêu cầu tha bổng cho ông ngay lập tức và mô tả phiên tòa là một "sự đi chệch hướng nghiêm trọng của Hiến pháp."
M. McConnell đề nghị tăng cường các lập luận ở phiên khai mạc và chỉ gói gọn trong hai ngày thay vì ba ngày. Đề nghị này được các luật sư của Tổng thống ủng hộ. Tuy nhiên, sau cuộc họp với các Thượng nghị sĩ, bao gồm cả một số thành viên của đảng Cộng hòa, M. McConnell đã chấp nhận ba ngày.
Cố vấn Nhà Trắng, luật sư trưởng của D. Trump Pat Cipollone nói: "Đó là một quy trình công bằng. Tuyệt đối không có vấn đề gì". Đảng Dân chủ cho biết Tổng thống "muốn thảo luận bất cứ điều gì khác ngoài những gì trên thực tế ông đã làm."
Ảnh minh họa: AbcNews
Một bị vong lục dài 171 trang do nhóm luật sư bào chữa cho Trump soạn thảo là một bản bào chữa mang tính chất toàn diện đầu tiên được đệ trình lên Thượng viện. Tài liệu này tìm cách giảm nhẹ những cáo buộc đối với Tổng thống.
Các luật sư của Tổng thống coi những cáo buộc chống lại D. Trump là "thiếu thuyết phục và nguy hiểm". Nhóm này cũng cho rằng các cáo buộc này không phải là trọng tội và các vi phạm của D. Trump chưa đến mức phải bị cách chức.
Văn bản bào chữa cho biết: "Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã kết luận cáo buộc Tổng thống hai điều hết sức mơ hồ, không thể coi là trọng tội hoặc vi phạm luật pháp dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, hai cáo buộc này chưa đến mức tối thiểu cần thiết để cách chức Tổng thống."
Đáp lại, một bị vong lục đối lập đã được những người của đảng Dân chủ đòi luận tội ông Trump tại Hạ viện soạn thảo, cáo buộc Tổng thống "lạm dụng quyền lực để gây sức ép với một đối tác nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tháng 11/2020 có lợi cho mình. Bằng hành động này, Trump đã tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và hệ thống dân chủ của Mỹ. Ông cũng đã tìm cách che đậy các hoạt động của mình và đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ."
Dư luận Mỹ nói gì vể phiên toà luận tội Tổng thống D. Trump?
Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ luận tội và cách chức Tổng thống. Kết quả thăm dò dư luận do hãng Reuters và Ipsos tiến hành gần đây nhất trên toàn nước Mỹ cho biết, số người Mỹ muốn loại D. Trump khỏi quyền lực cao hơn gần một lần rưỡi so với số người muốn giảm nhẹ các cáo buộc chống lại ông.
Trong số những người được hỏi, 44% ủng hộ việc bãi nhiệm Trump, 15% cho rằng Tổng thống chỉ nên bị Quốc hội lên án và chưa đến mức phải phế truất. Trong khi đó, chỉ có 31% cho rằng nên bỏ các cáo buộc và tha bổng cho Tổng thống.
Có một sự phân cực chưa từng có giữa những người ủng hộ Tổng thống Trump và các đối thủ của ông. Dư luận Mỹ mong phiên toà kết thúc sớm để tập trung vào xử lý các vấn đề thực sự mà Mỹ đang phải đối mặt.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá cơ hội tái đắc cử của Tổng thống D. Trump, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, mỗi khi các nỗ lực luận tội và phế truất thất bại thì Tổng thống lại tranh thủ được thiện cảm rộng rãi của dân chúng Mỹ.
Tuy nhiên, trong sự phân cực gay gắt hiện nay, rất khó để dự đoán được kết quả bầu cử và tác động của phiên toà luận tội đối với cơ hội tái đắc cử của Tổng thống D. Trump.
Về lý thuyết, trong trường hợp bất ngờ, nếu cuộc bỏ phiếu cuối cùng dẫn đến sự chấp thuận của hai phần ba thành viên Thượng viện chống lại Trump, Tổng thống sẽ bị bãi nhiệm và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ trở thành Quyền Tổng thống. Tuy nhiên, rất ít người tin rằng rằng kịch bản này sẽ xảy ra.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại