Lừa đảo người nghèo, cựu Chủ tịch trung tâm hỗ trợ người nghèo hầu tòa

Hoàng An |

Trước phiên tòa, các bị hại cho biết, họ bị người của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới lấy danh nghĩa nhiều vị tướng ra "làm màu" rồi lôi kéo đóng góp tiền với lãi suất cao.

Sáng 2/8, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm ông Trần Đức Trung (61 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới) cùng 4 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, khoảng 8h30, 5 bị cáo trong vụ án được cảnh sát dẫn giải đến hội trường xét xử số 6; gần 100 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tham gia tranh tụng.

Trước khi công bố cáo trạng, ông Trần Đức Trung đề nghị HĐXX hoãn phiên để triệu tập thêm nhân chứng nhưng bị chủ tọa bác bỏ.

Lừa đảo người nghèo, cựu Chủ tịch trung tâm hỗ trợ người nghèo hầu tòa - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Đức Trung.

Trong số các nạn nhân tham dự phiên tòa có Bà Phùng Thị Gọi (quê Nam Định) chia sẻ, bản thân vay mượn số tiền 200 triệu đồng đóng góp cho trung tâm do ông Trung đứng tên.

"Ban đầu, trung tâm trả tôi tiền lãi rất sòng phằng nhưng một thời gian sau họ ngừng trả. Đến nay, tôi còn hơn trăm triệu đồng chưa thể lấy, tôi đã lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn vậy mà họ nhẫn tâm lừa dối khiến tôi lâm cảnh nợ nần", bà Gọn bức xúc.

Một nạn nhân khác là người phụ nữ trung niên quê Bắc Giang cho hay, vài năm trước, người của ông Trần Đức Trung đến địa phương lấy danh nghĩa nhiều vị tướng quân đội ra "làm màu", sau đó lôi kéo bà đóng góp tiền với lãi suất cao. Vì vậy, bà tin tưởng, đóng hơn 100 triệu đồng nhưng vừa đóng được vài ngày thì nhận tin lãnh đạo trung tâm bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam.

"Từ đó đến nay, số tiền của tôi vẫn chưa được hoàn lại, tòa mở phiên xét xử nhưng nhiều lần hoãn khiến tôi chịu vất vả đi lại", nạn nhân nói.

Lừa đảo người nghèo, cựu Chủ tịch trung tâm hỗ trợ người nghèo hầu tòa - Ảnh 2.

Bà Phùng Thị Gọi.

Chủ tịch trung tâm chiếm hưởng 30 tỷ đồng

Theo hồ sơ vụ án, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam thành lập, do Trần Đức Trung làm Chủ tịch HĐTV; Lê Thị Hằng làm Tổng giám đốc.

Trong khi Trung tâm chưa được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động, không có gì phát sinh doanh thu nhưng từ tháng 4/2015, Trần Đức Trung cùng các đối tượng Lê Thị Hằng, Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc, lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền.

Để tạo niềm tin, các đối tượng tổ chức tuyên truyền, hội thảo thu hút người tham gia. Lê Thị Hằng cùng Trần Đức Trung soạn thảo các bức tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ Trung tâm và chương trình “Trái tim Việt Nam”, giao cho Hằng đi xin chữ ký ủng hộ của một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền.

Cáo buộc cho rằng, các bị can thường xuyên đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của Trung tâm; tuyên truyền, hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ được nhận tiền theo chính sách. Tuy nhiên, nguồn tiền để chi trả hầu hết là “lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước”, một số rất ít là tiền ủng hộ của nhà hảo tâm.

Cụ thể, Trần Đức Trung cùng đồng phạm đã thống nhất đưa ra chính sách nhằm thu hút người tham gia “Câu lạc bộ tích lũy làm giàu” và giao cho bị can Phạm Văn Lực với vai trò là Chủ tịch câu lạc bộ đã ký Bản quy định cho hội viên tham gia, có nội dung: mỗi hội viên mua một hộp thực phẩm chức năng với giá 1.200.000 đồng để ủng hộ trung tâm, mua đủ 12 tháng sẽ nhận được tiền hỗ trợ, nhưng không quy định số tiền rõ ràng.Sau khi Bản quy định được ký, từ tháng 6/2016, mỗi người dân nộp 1.200.000 đồng theo hai gói chính sách hỗ trợ, sau 6 tháng sẽ được Trung tâm hỗ trợ lại từ 5.250.000 - 5.700.000 đồng; từ mã thứ hai, người dân chỉ phải đóng 700.000 đồng (lợi nhuận từ 437,5% - 814%) và số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Ngoài ra, sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh, sách báo, trị giá khoảng 150.000 đồng. Nếu giới thiệu người khác tham gia sẽ được thưởng 500.000 đồng/người.

Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền. Thông qua các điểm tư vấn, nhóm thu tiền của người dân tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển tiền về Trung tâm và Văn phòng tại địa chỉ 102 Trường Chinh (quận Đống Đa) tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Số tiền này, nhóm của Trung chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng, trong đó, cá nhân Trung chiếm, hưởng hơn 26,3 tỷ đồng; số còn lại các đối tượng sử dụng một phần tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước; mua sản phẩm hỗ trợ...

Cáo buộc còn cho hay, khi Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo. Các bị can tiếp tục móc nối với Nguyễn Tuấn Lân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế NewStar) tổ chức chương trình “Liên kết ba miền” hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng.

Qua chương trình “Liên kết ba miền”, các bị can tiếp tục thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người tham gia trên khắp cả nước. Sau đó, bị can Trung chi trả một phần tiền cho những người tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”, còn lại chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.

Cơ quan truy tố xác định Nguyễn Tuấn Lân liên kết với Trung và Hằng tổ chức chương trình “Liên kết ba miền” để bán thực phẩm chức năng. Lân không biết mục đích của thực hiện liên kết này để Trung và Hằng chiếm đoạt tiền của người tham gia, nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Liên quan vụ án, Viện KSND Tối cao cho biết, bị can Lê Thị Hằng đã chết ngày 9/6/2021 vì bệnh lý. Do đó, Viện kiểm sát quyết định rút phần truy tố với người này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; giữ nguyên quyết định truy tố với Trần Đức Trung cùng các bị can Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc và Phan Thị Thoa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại