Lựa chọn khó khăn của Mỹ sau quyết định của OPEC+

Hoàng Phạm |

Quyết định của OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu về việc giảm sản lượng khai thác dầu mỏ được cho là sẽ đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào những lựa chọn khó khăn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Saudi Arabia giữa tháng 7 và có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Saudi Arabia giữa tháng 7 và có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn sau quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) chỉ vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng. Liệu ông Biden sẽ kiên định với chính sách “lôi kéo” Saudi Arabia hay sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa?

Sức ép của Tổng thống Biden

Ngày 5/10, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu.

Tổng thống Biden chưa nói ông sẽ làm gì sau động thái này của OPEC+. Trao đổi với các phóng viên hôm 6/10, ông Biden cho biết cảm thấy “thất vọng” và “đang cân nhắc các lựa chọn thay thế”.

Tuy nhiên, nhiều thành viên người Dân chủ lại không hài lòng với cách Tổng thống Biden đang phản ứng với Saudi Arabia. Họ muốn sự cứng rắn, nhất là khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra.

“Tổng thống nên bắt đầu rút lại một số thứ”, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang New Jersey, ông Tom Malinowski đề cập đến sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Saudi Arabia.

“Điều đó sẽ thu hút sự chú ý của họ. Hành động đổi lấy hành động. Hãy ‘bắt bài’ họ. Liệu họ có thực sự nghĩ rằng họ có thể đánh đổi đối tác an ninh với Mỹ lấy đối tác an ninh Nga hay đối tác an ninh Trung Quốc? Họ biết họ không thể làm điều đó”, ông Malinowski nói.

Ông Malinowski và các thành viên đảng Dân chủ khác cho rằng việc Tổng thống chỉ bày tỏ sự thất vọng là chưa đủ. Ông cùng các Hạ nghị sỹ Sean Casten và Susan Wild đã đưa ra một dự luật yêu cầu rút binh sỹ Mỹ và các hệ thống phòng thủ khỏi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Biện pháp tương tự đã từng được đảng Cộng hòa đưa ra năm 2020 và Tổng thống Donald Trump khi đó đã sử dụng để gây áp lực với Saudi Arabia nhằm giảm giản lượng ở thời điểm giá dầu thấp là một mối quan ngại.

Ông Malinowski nói rằng Tổng thống Biden cũng nên sử dụng dự luật để gây sức ép với Saudi Arabia.

“Mục đích trong dự luật của chúng tôi là cung cấp cho Tổng thống ‘vũ khí’ mà ông cần. Tôi hy vọng ông ấy sử dụng nó”, ông Malinowski nói

Ở thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang đánh giá các tác động từ quyết định của OPEC+. Tuy nhiên, thay vì trừng phạt Saudi Arabia, các trợ lý của ông Biden dường như tập trung nhiều hơn vào khả năng giải phóng kho dự trữ chiến lược cũng như tìm kiếm sự hợp tác với Venezuela để thay thế.

Mỹ cũng đang xem xét các động thái nhằm gây áp lực, buộc các công ty năng lượng của trong nước giảm giá bán lẻ, có thể bao gồm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu.

“Chúng tôi hiện chưa quyết định sẽ có động thái ra sao nhưng đang đánh giá mọi biện pháp”, ông Brian Deese, cố vấn kinh tế của ông Biden, cho biết.

Mỹ không có nhiều lựa chọn

Quyết định của OPEC+ được đưa ra vào thời điểm tồi tệ về mặt chính trị đối với ông Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ coi việc giảm giá nhiên liệu là một phần trong chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ, dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới.

Tại Mỹ, giá khí đốt đã bắt đầu tăng trở lại ngay cả trước khi có động thái của OPEC+, một phần là do các vấn đề liên quan đến nhà máy lọc dầu ở Bờ Tây và Trung Tây. Mức giá trung bình tại Mỹ tăng 7 cent lên 3,86 USD kể từ ngày 3/10 khi nhu cầu tăng và dự trữ giảm, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức 5 USD/gallon vào tháng 6.

Saudi Arabia cho rằng quyết định giảm sản lượng không nhằm vào Chính quyền Tổng thống Biden. Họ đã gửi tài liệu và các biểu đồ cho phía Mỹ để biện minh điều đó. Với việc giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng trong những ngày gần đây, Saudi Arabia nói với giới chức Mỹ rằng họ lo ngại giá dầu sẽ trượt sâu hơn xuống dưới mức 70 USD, thậm chí là 60 USD/thùng. Điều này khiến ngân sách, vốn phụ thuộc vào năng lượng của họ, không bền vững.

Giới chức chính quyền Tổng thống Biden lo ngại cuộc khủng hoảng có thể xảy ra vào tháng 12 tới, khi mức giá trần mà Mỹ áp lên dầu mỏ Nga có hiệu lực và Liên minh châu Âu (EU) cũng cấm mua dầu thô Nga.

Tuy nhiên, Nhà Trắng hiện có rất ít công cụ để có thể chống lại quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Tổng thống Biden đã yêu cầu giải phóng thêm dầu mỏ từ kho dự trữ chiến lược, nhưng do dự trữ đang ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ qua, nguy cơ thiếu hụt có thể trở thành hiện thực nếu chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Chính quyền Biden có thể hạn chế xuất khẩu các loại nguyên liệu đã được tinh chế như xăng hay dầu diesel, để tăng nguồn cung và hạ giá trong nước. Tuy nhiên, điều này lại gây hại cho các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh EU, khi họ đang cố gắng loại bỏ năng lượng Nga. Động thái như vậy cũng làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.

Mỹ cũng có thể đẩy mạnh các hoạt động khai thác dầu nội địa thông qua việc đơn giản hóa giấy phép, thủ tục nhưng điều này có nguy cơ đối mặt với những phản ứng dữ dội từ các nhà bảo vệ môi trường.

Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với Iran và Venezuela có thể làm gia tăng nguồn cung thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày. Đây sẽ là giải pháp hoàn hảo cho việc thay thế dầu Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Iran đang bị đình trệ và có rất ít hy vọng về một giải pháp đột phá. Triển vọng về thỏa thuận với Venezuela cũng rất mờ mịt.

Trong các bình luận ngắn gọn với các phóng viên ngày 6/10, ông Biden không phủ nhận một sự thay đổi có thể xảy ra đối với Venezuela.

Khi được hỏi Venezuela sẽ phải làm gì để thuyết phục Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ông Biden trả lời: “Rất nhiều”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại