Lữ đoàn 125 'Tàu Không số' với Trường Sa

Lê Xuân Sơn |

Một điều vinh dự không ngờ là tôi được đến căn cứ của Lữ đoàn 125 “Tàu Không số” để tham gia trực tiếp Lễ Dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ Đoàn tàu Không số và Lễ Khánh thành giai đoạn đầu công trình nâng cấp Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Đoàn tàu Không số đúng vào dịp kỷ niệm 36 năm trận hải chiến Trường Sa bi tráng.

Lữ đoàn 125 'Tàu Không số' với Trường Sa- Ảnh 1.

Khánh thành giai đoạn 1 công trình nâng cấp Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Đoàn tàu không số.

Lữ đoàn 125 của Hải quân ta hiện nay có tiền thân là Đoàn 579 – chính là Đoàn Tàu Không số của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Như tôi đã viết trong bài “Chút duyên với những con tàu không số” đăng trên số báo Tiền Phong chủ nhật ra ngày 10/3/2024, thời gian cuối đây, tôi có nhiều duyên với các di tích lịch sử của Đoàn tàu Không số.

Ngày 28/2, tôi đến Vũng Rô, thăm các di tích nơi con tàu không số đầu tiên của ta bị địch phát hiện năm 1965, đánh dấu việc Đường Hồ Chí Minh trên biển của ta không còn giữ được bí mật và tuyến vận tải chiến lược vô cùng quan trọng và hiệu quả trên biển này bước vào giai đoạn mới quyết liệt, khó khăn và nhiều mất mát, hi sinh hơn nhiều.

Ngày 1/3/2024, tôi lại có mặt tại bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng, tham gia cùng các quan khách và nhiều cựu chiến binh Tàu Không số tại Lễ tưởng niệm các con tàu và cán bộ chiến sĩ Tàu Không số hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Tại cuộc giao lưu ở buổi lễ, sau khi tôi đọc 7 bài thơ viết trên biển Trường Sa, Đại tá Phạm Minh Chiến Chính ủy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân rút từ cặp ra mấy cái giấy mời nói sắp tới có Lễ Khánh thành giai đoạn đầu công trình nâng cấp Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Đoàn tàu không số, nhưng ông mang theo có 3 giấy mời nên chỉ có thể mời 3 người trong số những người có mặt. Cùng với doanh nhân Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, cựu chiến binh Tàu Không số, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam và thượng tá Tùng Lâm - Phó Giám đốc Truyền hình Quân đội, tôi vinh dự được mời.

Căn cứ của Lữ đoàn 125 ở TP HCM khá rộng và khang trang. Khi đến đó vào ngày 13/3, một ngày trước kỷ niệm trận Trường Sa năm 1988, tôi chú ý ngay gần mép nước, nơi có một số con tàu khá lớn của Lữ đoàn buông neo là 2 công trình tưởng niệm trang trọng. Thứ nhất chính là Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Đoàn tàu không số mà hôm đó làm lễ khánh thành giai đoạn đầu công trình nâng cấp. Sở dĩ tôi nói là giai đoạn đầu vì giờ nhìn khá uy nghi nhưng công trình cơ bản là xi măng cốt thép, không thể bền lâu và đúng nghĩa tượng đài được. Tôi hiểu mong muốn cháy bỏng của anh em Lữ đoàn nói riêng và Hải quân nói chung là phải có tượng đồng để tôn vinh các anh hùng liệt sĩ Tàu Không số.

Thứ hai là Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ Tàu Không số. Đó là một đền thờ nhỏ, nhưng rất xinh và được chăm sóc rất kỹ càng. Trước cửa có hai cây đại cao đang nở hoa. Bên ngoài, cùng quần thể với Đền có một tấm bia được làm bằng một hòn đá hình cánh buồm nguyên khối, hai mặt khắc đủ tên 131 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu không số hy sinh trong chiến đấu, trong đó có 101 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 1 người trong chiến tranh tiêu diệt chế độ tàn bạo Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia và 29 người trong các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của ta ở Trường Sa.

Lữ đoàn 125 'Tàu Không số' với Trường Sa- Ảnh 2.

Tấm bia 2 mặt khắc đầy đủ họ tên của 131 liệt sỹ Tàu Không số.

Như vậy, số cán bộ, chiến sĩ hy sinh Lữ đoàn nhiều nhất là trong Kháng chiến chống Mỹ. Trở lại với lịch sử Lữ đoàn giai đoạn đó. Năm 1959, Bộ Chính trị quyết định tổ chức các tuyến đường vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam trên bộ và trên biển. Năm 1960, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam xuyên qua dãy Trường Sơn. Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 với nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên, số hiệu 41, mang tên “Phương Đông 1” của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau; 19/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Như vậy con đường trên biển nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều đi trên bộ. Chuyến hàng trên mất có 9 ngày để vào tận Cà Mau.

Trong năm 1963, còn có ba chiếc tàu vỏ gỗ mang tên “Phương Đông 2, 3, 4” chở vũ khí từ bến xuất phát K15 ở Đồ Sơn vào Vàm Lũng.

Đầu năm 1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân.

Giai đoạn 1962 - 1965, trong điều kiện giữ được bí mật tuyệt đối, Đoàn 125 đã tổ chức 89 chuyến tàu, mang tới các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ gần 5.000 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men.

Rất tiếc là ngày 24/2/1965, tàu C143 của ta sau khi vào Vũng Rô, Phú Yên, do trục trặc kỹ thuật không rời bến trở ra biển trong đêm được phải ở lại sát bờ và mặc dù ngụy trang vẫn bị địch phát hiện và vây đánh dữ dội khiến các chiến sĩ phải cho nổ hủy tàu và đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ. Từ đó địch tăng cường tuần tiễu, kiểm soát chống xâm nhập.

Lữ đoàn 125 'Tàu Không số' với Trường Sa- Ảnh 3.

Dòng người vào Đền viếng các anh hùng liệt sỹ ngày 13/3/2024.

Đoàn 125 chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu theo đường hàng hải quốc tế, bí mật đưa hàng vào bến. Tuy nhiên, hiệu quả giảm hẳn vì nhiều chuyến tàu bị địch phát hiện từ sớm, theo dõi chặt nên phải quay lại, nhiều tàu bị địch vây đánh buộc phải tự hủy. Có những đợt 4 chiếc lên đường nhưng chỉ có một chiếc trở về như trường hợp các tàu C43, C165, C235, C56 lên đường tháng 2/1968 trong chiến dịch Mậu Thân. Từ 1965 đến 1868, Lữ đoàn 125 đã tổ chức 27 chuyến tàu nhưng chỉ có 7 chuyến cập bến, vận chuyển hơn 400 tấn hàng hóa.

Sau đó, ta còn tổ chức vận chuyển bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xihanúcvin (Campuchia). Bằng cách này, Đoàn 125 đã chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược.

Năm 1970, tướng Lon Nol đảo chính lật đổ Quốc trưởng Campuchia Xihanuc, quân Mỹ vào nước này, tuyến đường vận chuyển qua cảng Xihanucvin bị cắt đứt, các tàu không số của đoàn 125 tìm đường vòng qua sườn phía đông của quần đảo Trường Sa, xuống gần Malaysia, qua vịnh Thái Lan để đưa tàu cập bến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Mặc dù địch ngăn chặn và đánh phá ác liệt các tàu không số đã anh dũng vận chuyển được 301 tấn vũ khí, đạn dược miền Nam.

Bấy lâu nay, chúng ta thường biết là trong sự kiện Trường Sa năm 1988, các tàu của chúng ta bị bắn chìm là những tàu vận tải không vũ khí gì ngoài AK và B41 mà không để ý rằng các tàu vận tải đó đều thuộc Lữ đoàn 125 “Tàu Không số”. Lữ đoàn 125 thực sự đã lập nên những huyền thoại cả trong chiến tranh chống Mỹ lẫn cuộc chiến bảo vệ biển đảo.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các đội tàu của Đoàn 125 đã thực hiện thành công 143 chuyến tàu, vận chuyển 8.741 tấn vũ khí hạng nặng (50 xe tăng và pháo cỡ lớn), đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu. Họ đóng vai trò lớn trong việc giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trong suốt Kháng chiến chống Mỹ, đã có gần 100 chiếc tàu không số với 168 chuyến hành trình vượt sóng vận chuyển được hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam; phá hủy hơn 4.000 quả thuỷ lôi; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây và hơn 1.200 lần máy bay tập kích, bắn rơi 5 chiếc máy bay, bắn cháy nhiều tàu chiến của địch.

Sau đó, các chiến sĩ Lữ đoàn 125 đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tế cho Trường Sa trong những năm tháng cực kỳ khó khăn. Đặc biệt là qua lần dự lễ này, tôi mới chợt nhận ra một điều mà bấy lâu nay không chú ý là cả 3 con tàu của ta tham gia trận chiến bi tráng năm 1988 để bảo vệ chủ quyền của ta ở các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao đều là tàu vận tải thuộc Lữ đoàn 125!

Trong sự kiện ngày 14/3/1988, 03 Tàu vận tải 604, 605 và 505 của Lữ đoàn 125 không được trang bị vũ khí gì ngoài AK và B41 (có tài liệu viết chỉ một chiếc có pháo 40 ly) đã chiến đấu anh dũng, kiên cường với các tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc trang bị đến pháo 100 và cả các giàn phóng hỏa tiễn để bảo vệ chủ quyền ở Đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong trận chiến không cân sức ấy Tàu 604 sau khi chiến đấu rất anh dũng, đã bị địch dùng pháo lớn bắn chìm, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (cùng lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông có mặt trên tàu) cùng nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng con tàu.

Lữ đoàn 125 'Tàu Không số' với Trường Sa- Ảnh 4.

Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Đoàn Tàu Không số.

Tàu 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lao ủi lên bãi Cô Lin để không thể bị bắn chìm, tiếp tục giữ vững đảo. Chính hành động anh dũng, thông minh này khiến đối phương không thể chiếm Cô Lin.

Tại Len Đao, tàu 605 bị pháo tàu địch bắn bị thương nặng, các chiến sĩ quyết định cũng lao ủi lên bãi, quyết giữ chủ quyền nhưng máy tàu bị bắn hỏng nên không thực hiện được. Sau đó tàu bị bắn chìm hẳn.

Một tháng sau sự kiện trên, một con tàu không số của lữ đoàn 125 với 35 chiến sĩ trang bị vũ khí nhẹ đã quay lại khu vực này để tìm cách cắm cờ giành lại chủ quyền các bãi Gạc Ma và Len Đao. Với sự yểm trợ của không quân, các chiến sĩ đã đổ bộ thành công và cắm cờ ta lên lại bãi Len Đao. Và Len Đao vẫn thuộc về chúng ta cho đến hôm nay.

Nhưng Gạc Ma thì do đối phương đã tổ chức phòng thủ kiên cố và chăng lưới điện chung quanh nên anh em không lên lại được.

Ngày nay, Lữ đoàn 125 thuộc biên chế Vùng 2 Hải quân, là đơn vị vận tải chủ lực của Hải quân với trang thiết bị hiện đại, luôn sẵn sàng chiến đấu, nối tiếp bước truyền thống hào hùng của cha anh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại