Ứng dụng chat là thị trường đã định hình. Sự ra đời của Lotus Chat có thể bị coi là muộn màng, khó thành công. Nhưng với giới tinh hoa công nghệ, tiềm năng của các ứng dụng chat chỉ mới bắt đầu.
WhatsApp là minh chứng cho điều này. Sau hơn 10 năm, ứng dụng nhắn tin nhiều người dùng nhất thế giới đã có bước chuyển hướng mạnh mẽ, tạo nên sức ảnh hưởng đáng kể trong giới công nghệ và bắt đầu mang lại doanh thu.
Câu hỏi đặt ra là: Giữa một rừng ứng dụng nhắn tin ra đời vào đầu 2010, WhatsApp đã đạt được thành công rực rỡ như vậy bằng cách nào?
Tại sao một ứng dụng "nhìn có vẻ nhạt nhòa" như vậy lại khiến Mark Zuckerberg chi 22 tỷ USD để mua bằng được; tuyên bố không can thiệp quá sâu vào định hướng, để rồi sau 10 năm - tỷ phú công nghệ này khẳng định đây sẽ là "trụ cột" của Meta thay vì Facebook?
Tất cả đều có lý do của nó và Lotus Chat có thể học hỏi một phần nào từ WhatsApp trong con đường chinh phục người dùng trong bối cảnh công nghệ mới.
2 tỷ người dùng WhatsApp vì điều gì?
WhatsApp là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất thế giới với 2 tỷ người dùng. 2 tỷ người này gửi hơn 100 tỷ tin nhắn mỗi ngày bằng 60 ngôn ngữ trên 180 quốc gia. Khoảng 400 triệu người dùng trong số đó ở Ấn Độ, thị trường lớn nhất của WhatsApp, tiếp theo Brazil với 120 triệu người.
WhatsApp đạt được sự thống trị toàn cầu phần lớn đến từ các lý do đơn giản: Cung cấp nhắn tin giá rẻ, riêng tư và đáng tin cậy trên gần như mọi mẫu điện thoại, và ở mọi nơi trên thế giới.
WhatsApp không chỉ là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất mà còn được ví như "cuộc sống số" của nhiều người. Các đối thủ cạnh tranh sát sao nhất như WeChat (1,3 tỷ người dùng) và Facebook Messenger (1 tỷ người dùng), không thể sánh được về tính chất này. Ở nhiều nơi trên thế giới, WhatsApp đồng nghĩa với chính internet.
Từ những người sáng tạo nội dung ở Nigeria, người bán hàng người Brazil hay các bà dì Ấn Độ, đây là ứng dụng duy nhất họ cần. Trên WhatsApp, mọi người có thể trò chuyện với bạn bè và gia đình, học online, điều hành doanh nghiệp, cập nhật tin tức, mua sắm và thậm chí là giao dịch ngân hàng.
Một phần sức hấp dẫn của ứng dụng này là cảm giác gần gũi. Người dùng có khả năng kiểm soát nhiều thứ trên WhatsApp: Dễ dàng chặn danh bạ, tắt tiếng người dùng khác, thoát khỏi nhóm và ẩn trạng thái trực tuyến.
Không giống như Facebook và Instagram, WhatsApp không hiển thị quảng cáo trong các cuộc trò chuyện cá nhân.
WhatsApp, ban đầu được phát triển như một công cụ gọn nhẹ để gửi tin nhắn đơn giản cho bạn bè nhưng giờ đã trở thành nền tảng lớn hơn, phức tạp hơn cũng như làm được nhiều thứ hơn.
Brazil là thị trường lớn nhất của WhatsApp, với hơn 56% trong số 212 triệu người dân của đất nước này sử dụng ứng dụng hàng tháng.
"Mọi người sử dụng nó cho mọi thứ", João Victor Archegas, điều phối viên về luật và công nghệ tại Viện Công nghệ và Xã hội Rio de Janeiro, cho biết. "Ở đây, bạn không có quyền lựa chọn không sử dụng WhatsApp". Không dùng WhatsApp cũng giống như không có điện thoại vậy.
Sự thống trị về mặt văn hóa của WhatsApp đến nhiều từ các tính năng phụ trợ. Ngay sau khi Meta mua lại WhatsApp với giá 22 tỷ USD vào năm 2014, công ty ra mắt các tính năng mới bao gồm tích hợp thanh toán, Cộng đồng, Kênh và nhắn tin doanh nghiệp. Ứng dụng ngày càng lớn mạnh và mở rộng vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Tại Indonesia, đội tuyển bóng đá quốc gia sử dụng tính năng Channels (Kênh), dạng nhóm một chiều cho phép chủ kênh gửi tin nhắn văn bản, liên kết và hình ảnh, để chia sẻ thông tin cập nhật về trận đấu và nội dung hậu trường độc quyền cho những người theo dõi. Trong thời gian ngắn, họ đã thu hút được 2,3 triệu người theo dõi, với mỗi bài đăng tràn ngập hàng trăm biểu tượng cảm xúc từ những người hâm mộ nhiệt thành.
Trên toàn cầu, Channels đã trở thành nền tảng để người nổi tiếng và khán giả tương tác trực tiếp.
Vào ngày 15/11/2023, siêu sao Latin Shakira đã tham gia WhatsApp Channels trước khi xuất hiện tại Latin Grammys. Gần 16 triệu người theo dõi cô nhận được các đặc quyền như xem trước các video ca nhạc, bao gồm một video có sự góp mặt của Cardi B. Chỉ riêng bản cập nhật WhatsApp về chuyến lưu diễn của cô đã thu hút được 33 triệu phản ứng biểu tượng cảm xúc.
Bí quyết thành công của WhatsApp ở đâu?
Thành công của WhatsApp không chỉ đến từ sự miễn phí. Làm việc trong một gara cải tạo ở Mountain View, California, nhóm kỹ sư của WhatsApp thuở ban đầu tập trung cao độ vào việc đảm bảo tốc độ và độ tin cậy cho ứng dụng – bất kể là họ đang nhắn tin từ chiếc iPhone mới nhất ở một thành phố lớn của Mỹ hay trên BlackBerry và Nokia ở những nơi xa xôi nhất thế giới.
"Chúng tôi cố gắng tiếp cận mọi người dùng, ở mọi nơi, trên mọi nền tảng", Chris Peiffer, một trong những người đầu tiên được WhatsApp tuyển dụng chia sẻ với Rest of World.
Ông nhớ lại quãng thời gian đi bộ đường dài đến những ngọn đồi không có sóng di động bằng một chiếc Nokia C3 để kiểm tra khả năng gửi tin nhắn của WhatsApp với băng thông hạn chế.
Đã miễn phí, lại còn nỗ lực làm cho WhatsApp đáng tin cậy, có thể nhắn tin mọi lúc, mọi nơi, không phải là một "sự ban ơn" - đó là một chiến lược kinh doanh. Peiffer chỉ ra rằng những người dùng WhatsApp tiềm năng nhất không đến từ Thung lũng Silicon, nơi nhắn tin là điều gì đó quá dễ dàng và phổ biến.
Thay vào đó, cơ hội thu hút lớn là ở các quốc gia như Ấn Độ, nơi chi phí SMS nằm ngoài tầm với của một bộ phận lớn dân số, hoặc ở các quốc gia châu Âu nhỏ bé như Hà Lan, nơi giao tiếp xuyên biên giới phổ biến hơn nhiều.
Để ứng dụng có thể cài trên mọi loại thiết bị, mọi khu vực, họ phải xây dựng một sản phẩm nhẹ, không làm cạn kiệt data dung lượng của người dùng thông qua việc thu thập hàng tấn thông tin về họ như nhiều ứng dụng khác vẫn làm.
"Đây là data mạng di động của người dùng. Họ đã trả tiền cho nó. Chúng ta không nên sử dụng một cách lãng phí", Michael Donohue, cựu giám đốc kỹ thuật của WhatsApp, nói với Rest of World.
Cam kết của những người sáng lập là không động gì vào dữ liệu người dùng. Đến mức, vào năm 2013, WhatsApp bắt đầu lên kế hoạch đưa mã hóa đầu cuối vào các cuộc trò chuyện của người dùng.
Bộ ba chi phí, độ tin cậy và quyền riêng tư này nhanh chóng biến WhatsApp trở thành một hiện tượng toàn cầu, với người dùng trao đổi 10 tỷ tin nhắn mỗi ngày trên toàn thế giới vào năm 2012.
Đó là lý do vì sao Mark Zuckerberg phải bằng mọi giá mua lại nền tảng này vì sợ rằng cuộc cách mạng nhắn tin sẽ lấn át cả Facebook của mình. "WhatsApp đã đi trước chúng tôi trong lĩnh vực nhắn tin giống như cách Instagram đã đi trước trong lĩnh vực ảnh", Zuckerberg viết vào tháng 4/2012.
Vào khoảng thời gian đó, Facebook đã mua Instagram với giá 1 tỷ USD và ông thậm chí còn tuyên bố sẽ vui vẻ chi thêm một tỷ USD nữa cho WhatsApp "nếu chúng tôi có thể có được họ".
Dù mua về với giá cắt cổ, Zuckerberg không vội vã thay đổi WhatsApp để trở thành con bò sữa như Facebook hay Instagram. Ông vẫn giữ nguyên triết lý nguyên bản của WhatsApp và coi đây như một bộ phận riêng, tiếp tục công cuộc phục vụ người dùng ở mọi nơi trên thế giới.
Chuyển hướng kinh doanh
Sau nhiều năm, khi đã lên đỉnh thế giới, WhatsApp mới chuyển đổi từ một công cụ tiện ích tập trung hẹp thành "ứng dụng mọi thứ".
Công cụ kinh doanh đầu tiên của WhatsApp — ứng dụng WhatsApp Business miễn phí cho phép các công ty quảng cáo và nhắn tin cho người dùng — ra mắt vào đầu năm 2018 và kể từ đó đã tăng lên 200 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Cuối năm đó, công ty đưa ra các tính phí khách hàng có thể gửi khối lượng tin nhắn trong thời gian dài. Tại Brazil, gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oréal hiện kiếm được trung bình 25% doanh số bán hàng trực tuyến trực tiếp đến người tiêu dùng trên WhatsApp nhờ công cụ này.
L'Oréal bắt đầu dựa vào WhatsApp như một cách để cung cấp mẹo làm đẹp và quảng bá sản phẩm cho người dùng dựa trên nhu cầu chăm sóc da cá nhân. Công ty sớm nhận ra tỷ lệ mở tin nhắn trên WhatsApp còn cao gấp sáu lần so với email. Khách hàng cũng chi tiêu nhiều hơn và mua hàng thường xuyên hơn khi mua sắm qua WhatsApp.
Một cải tiến mà Meta hy vọng sẽ thúc đẩy giá trị của WhatsApp với các doanh nghiệp khác là AI. Danh sách các tính năng AI được tích hợp vào WhatsApp đang tăng lên theo tháng: Meta AI hiện được tích hợp vào thanh tìm kiếm WhatsApp, cho phép người dùng bắt đầu cuộc trò chuyện với Meta chatbot.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng bắt đầu sử dụng phiên bản dịch vụ khách hàng của chatbot để tự động tạo phản hồi cho các yêu cầu, cũng như các công cụ giúp họ tạo chiến dịch quảng cáo.
Meta đã giữ vững cam kết mã hóa đầu cuối đến mức họ đe dọa sẽ gỡ ứng dụng khỏi Ấn Độ nếu chính phủ buộc công ty phải phá mã hóa. Meta cũng mở rộng các công cụ bảo mật cho người dùng, bao gồm bật tin nhắn biến mất, mã hóa bản sao lưu và bảo vệ địa chỉ IP trong các cuộc gọi.
WhatsApp hiện vẫn đi đúng hướng khi tách biệt với Instagram và Facebook vốn bị chỉ trích về quyền riêng tư. Tất cả những gì Mark Zuckerberg làm là giữ tính nguyên bản nhất của ứng dụng này để tạo thành app chat kết nối nhanh, rẻ, có lượng người dùng lớn và từ đó mới bắt đầu phát triển cơ hội kinh doanh.
Đến nay, dù đã đầu tư lớn nhưng doanh thu mà WhatsApp mang lại còn nhỏ. Nhưng công ty lạc quan rằng đây cách duy nhất để đi lên.
Đối với Meta, công ty đã vắt kiệt từng xu của Facebook và Instagram, WhatsApp đại diện cho một cơ hội tiềm năng to lớn và phần lớn chưa được khai thác. Không ngạc nhiên khi Mark Zuckerberg bắt đầu gọi WhatsApp – một ứng dụng chat – lại chính là "trụ cột chính tiếp theo" của công ty mình.
Tuy nhiên, để điều đó trở thành sự thật, Meta sẽ cần phải thực hiện một hành động cân bằng tinh tế. Để tận dụng được giá trị của WhatsApp, họ sẽ cần phải biến đây thành nơi doanh nghiệp muốn chi tiền nhưng không hy sinh sự riêng tư và tính đơn giản đã khiến cả thế giới hào hứng tìm đến ứng dụng này ngay từ đầu.
Còn Lotus Chat của người Việt sẽ có được niềm cảm hứng gì từ những thành công của WhatsApp?