Lọt vào 'mắt xanh' của Foxconn, địa phương này sớm trở thành 'tứ giác kinh tế' cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh

Quỳnh Anh |

Với GRDP đứng thứ 5, hút FDI dẫn đầu miền Trung, địa phương này được dự đoán sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác kinh tế khu vực phía Bắc.

Tăng trưởng GRDP nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu

Trong những năm trở lại đây, kinh tế Thanh Hóa đã có sự tăng trưởng khá rõ rệt. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11,2%/năm.

Vào tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 37/2021/QH15 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước vào năm 2030.

Báo cáo tài kỳ họp Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai và Ninh Thuận.

Thu Ngân sách nhà nước của Thanh Hóa năm 2021 ước đạt 32.420 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 22% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên các lĩnh vực, nhất là công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả tích cực. Đến ngày 25/11, địa phương đã giải ngân 8.211,7 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ và đứng thứ 2 cả nước.

Về công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ước năm 2021, Thanh Hóa có khoảng 3.360 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 12% so với kế hoạch, có 42 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX lên 1.157 HTX, đứng thứ 3 cả nước.

Sang đến năm 2022, Thanh Hóa đặt mục tiêu GRDP đạt 11,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 2.800 USD trở lên.

Lọt vào mắt xanh của Foxconn, địa phương này sớm trở thành tứ giác kinh tế cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh - Ảnh 1.

Thu hút FDI dẫn đầu miền Trung

Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, lũy kế đến tháng 11/2021, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có hơn 2000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 60 tỷ USD.

Quy mô vốn bình quân 1 dự án FDI của miền Trung đạt 28,25 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (11,75 triệu USD). Tổng vốn FDI của khu vực miền Trung hiện nay chiếm khoảng 15,16% tổng vốn FDI của toàn quốc.

Trong đó, lũy kế đến tháng 11/2021, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 165 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,6 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực. Nếu tính riêng 11 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được khoảng 155 triệu USD tổng vốn đăng ký.

Lọt vào mắt xanh của Foxconn, địa phương này sớm trở thành tứ giác kinh tế cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh - Ảnh 2.

Danh sách các nhà đầu tư vào Thanh Hóa liên tục được bổ sung thêm những tên tuổi hàng đầu thế giới. Foxconn có lẽ là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong năm nay khi có tới 3 địa điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lọt vào "tầm ngắm" của tập đoàn này để đặt nhà máy sản xuất. Các bước xúc tiến thủ tục đầu tư đã được thực hiện.

Vào hồi tháng 1/2021, ông Zhuo Xiam Hong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ông cho biết, ông rất ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh và lợi thế của tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy Tập đoàn Foxconn quyết định lựa chọn tỉnh Thanh Hóa làm điểm đầu tư với quy mô nhà máy có diện tích từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, vào tháng 3 năm nay, WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đã đặt vấn đề đầu tư hai dự án hạ tầng khu công nghiệp quy mô hàng trăm ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn và huyện Hoằng Hóa, trị giá hơn 330 triệu USD.

Đầu tư 35.000 tỷ đồng vào hạ tầng trong giai đoạn 2021-2025

Vào ngày 12/12, UBND tỉnh Thanh Hóa khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác 1.142 tỷ đồng.

Dự án cùng với các đoạn tuyến còn lại sau khi hoàn thành sẽ kết nối toàn tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, là điều kiện để Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác kinh tế của khu vực phía Bắc.

Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có chiều dài hơn 23,7 km đi qua ba huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dự án do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2024.

Mạng lưới giao thông đường bộ sẽ ngày càng dày đặc hơn, Thanh Hóa cũng có kế hoạch rót gần 35.000 tỷ đồng vào 43 dự án giao thông đang được triển khai từ nay tới năm 2025. Điều này sẽ giúp cho việc đi lại từ khu vực biên giới, từ miền núi xuống đồng bằng, vùng biển trong nội tỉnh Thanh Hóa sẽ không còn "điểm nghẽn", đảm bảo hoạt động kinh tế thông suốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại