Vấn đề ô nhiễm từ sự xói mòn lốp xe cần được xem xét nghiêm túc hơn. Ảnh: AP.
Giới nghiên cứu đang ngày càng lo ngại về tác động đến sức khỏe của tình trạng ô nhiễm không khí do sự bào mòn từ lốp xe. Các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh) cho biết, các hạt này đặc biệt gây hại cho môi trường do các hóa chất độc hại được tạo ra từ chúng. Cảnh báo này được đưa ra sau khi dữ liệu của chính phủ Vương quốc Anh cho thấy, hiện nay, các hạt ô nhiễm cực nhỏ đến từ sự xói mòn lốp xe nhiều hơn đáng kể so với phát ra từ khí thải xe cộ.
Báo cáo ước tính, năm 2021, 52% ô nhiễm hạt nhỏ từ phương tiện giao thông đường bộ là do lốp xe và phanh bị mài mòn, cộng thêm 24% do mài mòn đường và vạch sơn giao thông. Chỉ 15% lượng khí thải đến từ khói ô tô và hơn 10% từ khí thải của xe tải và xe chở hàng lớn (HGV).
Các hạt nhỏ tách ra khỏi lốp xe khi ô tô di chuyển, bay vào không khí và có thể bị hít sâu vào phổi. Ô nhiễm không khí gây ra 26.000 đến 38.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Anh và ô nhiễm hạt có liên quan đến nhiều loại bệnh.
Báo cáo của Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho biết, 6 triệu tấn hạt được thải ra trên toàn cầu mỗi năm từ việc mài mòn lốp xe. Chỉ riêng ở London, có 2,6 triệu phương tiện thải ra khoảng 9.000 tấn hạt mỗi năm. Các hạt này có thể chứa các hóa chất độc hại bao gồm hydrocarbon đa thơm và benzothiazole, cũng như các kim loại nặng như kẽm và chì. Tuy nhiên, nghiên cứu về độ mòn của lốp xe và ảnh hưởng của nó đã bị bỏ qua so với nghiên cứu về khí thải nhiên liệu.
Các cuộc thử nghiệm đối với các loại lốp xe mới do Transport for London tài trợ cho thấy, chúng có thể giảm tới 35% lượng khí thải. EU cũng sẽ là khu vực đầu tiên trên thế giới điều chỉnh lượng khí thải từ lốp xe, với các tiêu chuẩn mới sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2025.
Theo dữ liệu của chính phủ Anh, lượng khí thải từ các phương tiện ở Anh đã giảm 90% kể từ năm 1996, do các tiêu chuẩn khắt khe hơn được thi hành. Do đó, các hạt từ lốp xe, phanh và đường đã trở thành nguyên nhân chính gây ô nhiễm.