Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (Quận 8, TPHCM) hiện có hơn 100 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân từng nhiễm Covid -19, từng điều trị chăm sóc đặc biệt (ICU). Sau khi được chữa khỏi, họ không thể đi lại bình thường do quá trình điều trị Covid lâu dài. Bệnh nhân bị teo cơ, cứng khớp, phổi đông đặc…
Vào khoảng 7h sáng mỗi ngày, các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn những bài tập vận động giúp cải thiện chức năng hô hấp.
Kỹ thuật viên Phạm Ngô Lộc cho biết mỗi ngày anh sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân tập 2 buổi, mỗi buổi 20 phút. Việc vận động kết hợp các kiểu thở sẽ giúp cho phổi của bệnh nhân nhận được nhiều không khí. Độ khó sẽ tăng dần lên mỗi ngày và kỹ thuật viên hướng bệnh nhân bước ra khỏi giường bệnh nhiều hơn.
Bệnh nhân Covid-19 sẽ được đo chỉ số SpO2 mỗi ngày. Tùy theo mức SpO2 của mỗi người mà y bác sĩ hướng dẫn cách tập luyện khác nhau.
Đối với những bệnh nhân có chỉ số SpO2 thấp, kỹ thuật viên sẽ đến tận giường để hướng dẫn các bệnh nhân cách vận động. Để đạt được hiệu quả trong điều trị, kỹ thuật viên thường xuyên nhắc các bệnh nhân phải duy trì thói quen tập luyện ngay cả khi trên giường.
Sau khi tập luyện được cùng kỹ thuật viên vài buổi, chị Hồng Ân (quận 8) đã có thể chỉ cho mẹ cách tập luyện theo hướng dẫn. Chị cho biết, ban đầu việc vận động đối với mẹ chị còn khó khăn, nhưng sau một thời gian tập luyện bà đã thở tốt hơn nhiều. Mẹ chị đã cai được máy thở, chỉ số SpO2 cải thiện đáng kể.
Tại khu hồi sức, nhiều bệnh nhân từng điều trị COVID-19 nặng được các y bác sĩ, kỹ thuật viên hướng dẫn cử động ngay tại giường bệnh. Y bác sĩ sẽ giúp vỗ rung, dẫn lưu tư thế cho bệnh nhân tống xuất bớt đờm, xoay trở chống loét.
Khi bệnh nhân tiến triển tốt, các y bác sĩ hướng dẫn tập thở và các tư tế từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng. Khi bệnh nhân tự đứng được và có chỉ số SpO2 cao thì bệnh nhân được tập bước đi, mỗi lần đi từ 3 đến 6 mét.
Ông Nguyễn Lê Tấn Hòa (61 tuổi, quận 8) nhập viện hơn 20 ngày. Khoảng 2 tiếng ông lại được vợ đấm lưng thông đờm theo hướng dẫn của bác sĩ. “Tôi thấy khỏe hơn, đỡ tức ngực hơn nhiều so với ngày đầu mới về viện”, ông Hòa nói.
Thể trạng và quyết tâm của mỗi bệnh nhân quyết định định thời gian xuất viện của chính họ. Khi tình trạng bệnh nhân đã tương đối ổn định, y bác sĩ sẽ đưa bệnh nhân đến phòng đánh giá các chỉ số phục hồi.
Tại đây, họ sẽ được gắn mặt nạ theo dõi hô hấp và dụng cụ đo các chỉ số hoạt động của mạch. Thông qua màn hình hiển thị tầng chỉ số, y bác sĩ sẽ đánh giá lại quá trình tiến triển của bệnh nhân về mức độ tổn thương hô hấp, sự trao đổi khí. Đây cũng là khâu cuối cùng kiểm tra lại sức khỏe trước khi bệnh nhân được xuất viện.