Lớp dạy trẻ chống xâm hại tình dục

Thanh Hương |

“Hiện nay, trẻ em được trang bị nhiều kiến thức khoa học nhưng lại mơ hồ về kỹ năng bảo vệ bản thân, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng phòng vệ nguy cơ xâm hại tình dục. Đó là lý do dự án Kid+ Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em ra đời”, Nguyễn Như Ngọc, Trưởng nhóm dự án chia sẻ.

“Con hiểu biết, con an toàn”

Lớp học đặc biệt ấy mở đầu bằng bộ phim hoạt hình nói về cô bé Coman bị người lạ rủ rê vào phòng kín và sờ soạng trên cơ thể. Đoạn phim kết thúc, các học sinh trong lớp được tham gia vào một trò hỏi đáp tình huống để hiểu hơn về xâm hại tình dục.

Hay ở giờ học khác, một thành viên nhóm Kid+ vào lớp học mang theo nhiều bánh kẹo và điện thoại, ipad.

Chỉ sau một vài câu nói rủ rê bằng những món quà ấy, hơn nửa lớp đã hào hứng đứng dậy sẵn sàng đi theo “cô người lạ”. Vậy là các thành viên nhóm Kid+ lại tiếp tục giải thích cho các em về tình huống cụ thể này.

Bằng những giờ học như thế, những kiến thức về sự riêng tư của cơ thể, cách phòng chống khi kẻ gian có ý đồ xấu, cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp tình huống khẩn cấp... được các em học sinh tiếp nhận dễ dàng.

“Lúc đầu thường có nhiều bạn sẽ cười ồ lên, nhiều bạn tỏ ra xấu hổ, nhưng dần dần xuyên suốt buổi học, chúng tôi cố gắng để các em hoà nhập và hiểu rằng đó là những tình huống, những câu chuyện gần gũi mà chính các em có thể gặp phải bất cứ lúc nào”, Như Ngọc kể.

Nhóm Kid+ ra đời vào giữa năm 2017, các thành viên của nhóm gặp nhau trong Chương trình Phát triển Lãnh đạo Thanh Niên “I Commit 8” do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) tổ chức và có cùng mối quan tâm chung về trẻ em, mong muốn làm những việc tốt, bền vững cho cộng đồng.

“Nhóm hình thành với sứ mệnh xây dựng tương lai an toàn cho trẻ em Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn trang bị kiến thức cho trẻ, để trẻ biết phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục, đồng thời nêu cao trách nhiệm của gia đình và xã hội trong bảo vệ trẻ em”, trưởng nhóm khẳng định.

Sau 2 năm hoạt động, nhóm đã đến các trường học tổ chức hàng chục lớp học miễn phí, kết nối các chuyên gia về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để mở những tọa đàm, tập huấn cho phụ huynh, giáo viên các trường, đặc biệt là khu vực nông thôn ngoại thành còn nhiều khó khăn.

Nhóm cũng đã đến các trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật bởi đây là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị lạm dụng thể chất, tình cảm, tình dục cao hơn nhiều lần so với trẻ em bình thường.

“Con hiểu biết, con an toàn” là thông điệp mà Kid+ luôn nỗ lực lan tỏa trong cộng đồng. “Ở các giờ học, chúng tôi tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động tương tác, thảo luận, đóng kịch tình huống… để các em dễ dàng tiếp nhận thông tin.

Cuối mỗi khoá học, sẽ là cuộc thi tổng kết Con hiểu biết, Con an toàn và Triển lãm tranh về Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em do học sinh vẽ.

Kid+ muốn tác động đến hệ sinh thái giáo dục trong cộng đồng liên quan đến trẻ em bao gồm: trẻ em, cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ nhà trường, cán bộ địa phương, cư dân địa phương và mạng xã hội”, Nguyễn Thị Trang, thành viên phụ trách chuyên môn của nhóm cho biết thêm.

Viên gạch nhỏ xây tường lớn…

Nói về nhóm Kid+, thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội nhận xét: “Hoạt động của nhóm Kid+ khơi dậy tính cảnh giác, sự yêu thương chăm sóc trẻ của toàn thể cộng đồng.

Chúng tôi ủng hộ, hoan nghênh những hoạt động của nhóm. Các bạn còn trẻ nhưng rất năng động, có cái nhìn nhạy bén với các vấn đề xã hội”.

“Dự án do nhóm Kid+ thực hiện có tác động sâu sắc đến không chỉ các em nhỏ bị khuyết tật mà còn giúp đội ngũ giáo viên, cũng như phụ huynh học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em.

Các em đã hiểu biết hơn, giữa học sinh nam và học sinh nữ đã có khoảng cách, biết tự bảo vệ mình. Tôi cho đó là thành công lớn của dự án”, cô Mạc Chung Thủy, Phó hiệu trưởng Trường PTCS dân lập Nhân Chính dạy trẻ câm điếc ở Hà Nội khẳng định.

Với những đóng góp của mình, nhóm Kid+ dành Giải Ba trong khuôn khổ Giải thưởng thanh niên kiến tạo 2018; Giải Đại sứ “Thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng” do Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Cũng trong năm 2018, nhóm đã xuất sắc dành được quỹ tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dành cho những thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.

Hiện, Kid+ có 10 thành viên chủ chốt, độ tuổi từ 20- 25, đến từ các ngành nghề khác nhau như giáo viên, kế toán, bác sĩ, dạy kỹ năng sống, biên soạn sách, nhân viên văn phòng... và hơn 80 cộng tác viên, chủ yếu là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Hàng tháng nhóm cũng mời chuyên gia đến giảng dạy, tập huấn cho các thành viên, cộng tác viên về vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.

“Khó khăn nhất của nhóm là toàn những người trẻ nên khi đến các trường để liên hệ luôn bị nghi ngờ, dè chừng. Nhóm lại phải trình bày, thuyết phục bằng những tài liệu liên quan, những chương trình, kế hoạch cụ thể.

Nhiều khi còn phải vận dụng cả mối quan hệ của gia đình thành viên trong nhóm với nhà trường để tạo sự tin tưởng ban đầu”, Đoàn Hoàng Anh, phụ trách mảng đối ngoại của nhóm tâm sự.

Một khó khăn nữa là vấn đề thiếu nhân sự mỗi khi sự kiện trùng vào đợt thi của sinh viên. Thành viên chủ chốt cũng đều đi làm nên phải rất cố gắng mới thu xếp được công việc để tham gia.

“Dạy giáo dục giới tính cho trẻ bình thường vốn đã khó, thì dạy trẻ em khuyết tật còn khó hơn bội phần. Việc truyền đạt kiến thức cho các em đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ hơn vì vốn từ ít.

Phương pháp chủ yếu mà nhóm lựa chọn là nhập vai để các em hiểu dễ dàng hơn”, Như Ngọc nói.

Cô cũng cho biết, thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục ứng cử vào các quỹ tài trợ để có thêm kinh phí đưa dự án đến với các đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương như: trẻ em là con của người lao động có thu nhập thấp, trẻ có nguy cơ bị mua bán, trẻ chưa được tiếp cận giáo dục, trẻ khuyết tật,… trên khắp tỉnh thành cả nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại