‘Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới’

Phương Anh/VTC News |

Các chuyên gia khí hậu và đại dương nêu những dấu hiệu cho thấy ngay cả khối băng khổng lồ ở vùng cực Trái đất cũng có giới hạn, và giới hạn này đang thu hẹp.

Theo các chuyên gia viết trên tờ The Conversation, ngày nay, vùng nước sâu ở cực đang ngày càng ấm hơn, khi các đại dương hấp thụ gần như toàn bộ lượng nhiệt dư thừa ở Trái đất do đốt nhiên liệu hóa thạch. “Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới”, bài viết bình luận.

Nhìn lại hơn 100 năm trước

Năm 1897, tàu RV Belgica (từng là một tàu săn cá voi) rời Antwerp, Bỉ, khởi hành về phía nam. Đó là chuyến đi đầu tiên của "thời đại anh hùng” về thám hiểm Nam Cực. Chuyến đi này, dù vậy đã không đi theo kế hoạch.

Sau hành trình kéo dài sáu tháng, họ bắt đầu gặp phải băng biển. Nhiều lần con tàu bị mắc kẹt trong băng một hoặc hai ngày. Một thành viên thủy thủ đoàn bị rơi xuống biển và lạc trong làn nước băng giá. Nhưng đoàn vẫn tiếp tục thực hiện các phép đo khi di chuyển. Trưởng đoàn thám hiểm Adrien de Gerlache ghi lại quá trình như sau:

“Vào buổi trưa, chúng tôi thực hiện đo âm thanh của biển sâu, với một loạt nhiệt độ ở nhiều độ sâu khác nhau. Chúng tôi thả 560 mét dây và mang về được một khối đất sét màu xanh. Nhiệt độ bề mặt biển ở mức đóng băng và ở phía dưới ấm hơn một chút”.

Khám phá của họ về vùng nước ấm dưới sâu là rất quan trọng. Kể từ đó nó được đặt tên là “nước sâu vùng cực”.

‘Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới’- Ảnh 1.

Ngày nay, vùng nước sâu ở cực đang ngày càng ấm hơn, khi các đại dương hấp thụ gần như toàn bộ lượng nhiệt dư thừa ở Trái đất do đốt nhiên liệu hóa thạch. (Ảnh minh họa)

Vào những năm 1897-1898, sức mạnh của băng giá vẫn còn rất ghê gớm. Khi ấy, đoàn thám hiểm trên RV Belgica thường xuyên mắc kẹt trong lớp băng dày, các thành viên trải qua mùa đông trong nhiều tháng liên tục, với cái rét và bóng tối. Cái lạnh gay gắt đến mức họ thường xuyên viết di chúc trước khi đi ngủ. Phải đến tháng 1/1899, sau nhiều nỗ lực dùng chất nổ để phá băng, họ mới giải phóng được con tàu để trở về nhà.

Các nhà khoa học ngày nay, khi so sánh dữ liệu với những gì đoàn RV Belgica tìm được nhiều năm trước, đã rút ra được những thông tin vô giá.

Băng giảm 12% mỗi thập kỷ

Nếu RV Belgica ở cùng địa điểm trên biển Bellingshausen ngoài khơi bán đảo Nam Cực, nhưng vào năm 2023, thay vì năm 1897, thì câu chuyện sẽ rất khác.

Trong 126 năm qua, con người đã góp phần vào việc thay đổi khí hậu Trái đất. Nhiên liệu hóa thạch đã cho chúng ta nhiều năng lượng hơn, nhưng lại gây ra hậu quả khó lường – đốt những nhiên liệu này sẽ giải phóng carbon dioxide và các loại khí khác đã bị chôn vùi từ lâu vào khí quyển. Các khí này phóng đại hiệu ứng nhà kính tự nhiên giúp Trái đất không bị đóng băng. Hầu như toàn bộ nhiệt lượng bị giữ lại bởi các hoạt động của con người đã đi vào đại dương.

Cứ như vậy, ở phía bắc, băng biển Bắc Cực bắt đầu biến mất từ những năm 1970 trở đi, giảm khoảng 12% mỗi thập kỷ.

‘Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới’- Ảnh 2.

Một tàu thám hiểm từng kẹt trong băng trong hơn một năm.

Băng biển ở Nam Cực thì tồn tại lâu hơn. Một con tàu như Belgica có thể vẫn bị mắc kẹt trong băng biển vào cuối năm 2015. Nhưng giờ thì không. Trong 8 năm qua, băng biển ở Nam Cực đã bắt đầu tan chảy nghiêm trọng. Và trong 3 năm qua, sự tan chảy này đặc biệt tăng tốc. Giờ đây, nghiên cứu mới cho thấy băng biển ở Nam Cực đã trải qua “sự chuyển đổi đột ngột”.

Tính đến tháng 3/2023, vùng biển RV Belgica từng đi qua không còn những khối băng nứt nẻ nữa. Hầu như không có băng ở biển Bellinghausen từ tháng 2 đến tháng 4.

Vào đầu năm 2024, tàu nghiên cứu biển RV Investigator của Australia đã đi 12.000 km từ Hobart xuống bờ biển Nam Cực và quay trở lại Fremantle. Điều gây sốc là hải trình này diễn ra thật dễ dàng.

Khi băng biển dày nhất, ngay cả những con tàu hiện đại cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển. Nhưng trong chuyến đi này, các nhà khoa học trên tàu đã thu thập được lượng dữ liệu khổng lồ từ những đại dương tối tăm đáng lẽ phải bị lớp băng biển dày bao phủ.

‘Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới’- Ảnh 3.

Năm 2024, một tàu đến Nam Cực gần như không gặp trở ngại gì.

"Sông băng ngày tận thế"

Ở lục địa băng, biến đổi khí hậu gây ra những thay đổi đáng lo ngại từ lâu.

Bán đảo Nam Cực – phần đuôi dài gần Nam Mỹ nhất, nơi hầu hết các tàu du lịch cập bến – đang bắt đầu chuyển sang màu xanh. Tảo phát triển trên tuyết nhiều hơn, trong khi hai loài thực vật có hoa bản địa là cỏ ngọc trai Nam Cực và cỏ lông Nam Cực cũng đang mở rộng phạm vi trên các hòn đảo.

Vào thế kỷ 19, tới Nam Cực là một hành trình đầy nguy hiểm, đẩy tới giới hạn chịu đựng của con người. Nhưng khi băng biển rút đi, các tàu du lịch thực hiện hành trình từ các cảng ở Argentina và Chile đến vùng cực ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Số lượng khách du lịch trên tuyến này đã tăng gấp 10 lần kể từ những năm 1990, đặc biệt tăng nhanh trong hai năm qua.

Lục địa băng từ lâu được bảo vệ với dòng nước lạnh và chảy xiết trong các đại dương bao quanh. Nhưng bây giờ nhiệt truyền vào khu vực này qua nước chứ không phải qua không khí. Dòng hải lưu vòng Nam Cực đang tăng tốc và nước ấm hơn tràn vào vùng biển băng giá này. Băng biển ở Nam Cực đang bị “ăn mòn” từ bên trong.

Điều đó có nghĩa cái gọi là “sông băng ngày tận thế” đang gặp nguy hiểm. Sông băng Thwaites có kích thước bằng Vương quốc Anh và chứa đủ nước để nâng mực nước biển lên 60 cm. Nhưng mối đe dọa thực sự nằm đằng sau Thwaites. Sông băng này còn là một nút chặn, ngăn những dòng sông băng lớn hơn nhiều chảy ra đại dương. Nếu điều này xảy ra, mực nước biển sẽ dâng tăng tốc.

Nam Cực từng là nơi con người tìm thấy giới hạn của mình. Chịu đựng cái lạnh, bóng tối vô tận và những ngày trôi dạt bất lực trong băng, thủy thủ đoàn Belgica đã tìm thấy chính mình.

“Hơn một thế kỷ sau, chúng ta nhận thấy băng cũng có giới hạn”, các chuyên gia viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại