Tuyển sinh vào các trường công lập chất lượng cao (CLC) luôn là mối quan tâm của đông đảo phụ huynh có con vào lớp 6, vì chỉ tiêu có hạn mà nhu cầu dự tuyển quá nhiều. Phần lớn phụ huynh đều mang tâm lý muốn gửi gắm con em mình vào một môi trường học tập tốt nhất. Do đó, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng.
Kỳ vọng con được bước chân vào một trường "top", không ít gia đình đã đầu tư ôn luyện, rèn kỹ năng từ sớm. Việc tổ chức học thêm, ôn luyện vì thế ngày càng nở rộ và độ tuổi bắt đầu thì ngày càng nhỏ, không chỉ là lớp 3, lớp 4 mà thậm chí lan xuống cả lớp 1 hay lớp 2.
Trên thực tế, nếu có nguyện vọng cho con vào các trường điểm, trường chất lượng cao thì việc để "nước tới chân mới nhảy" rất dễ khiến con không theo kịp. Nhưng liệu trong trường hợp "bất khả kháng", đến gần giai đoạn quyết định mới "quay xe" thì có hy vọng để con thi đỗ hay không?
Câu trả lời của chị Thanh Trà (Hà Nội), mẹ của em Bảo Linh là có. Tuy nhiên phải kèm theo điều kiện về nền tảng cơ bản khác nhau tùy vào từng bạn, chứ nếu bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh sẽ rất khó.
Bảo Linh xuất phát điểm là một học sinh chưa bao giờ đứng trong top 3 chăm ngoan, học giỏi nhất lớp.
Bảo Linh xuất phát điểm là một học sinh chưa bao giờ đứng trong top 3 chăm ngoan học giỏi nhất lớp ở "trường làng" Thanh Trì. Bởi giai đoạn này, gia đình quan niệm trên lớp con chỉ cần hoàn thành tất cả các bài tập cô giáo giao, phần thời gian ở nhà dành để chơi và phát triển những kĩ năng khác.
Em cũng chưa bao giờ đi học lớp ôn thi nào, chỉ có môn Văn là học 1 lớp online cô giáo dạy Văn tư duy và học tiếng Anh giao tiếp sớm vì cảm thấy vui và hứng thú...
Hè lớp 4, Bảo Linh "quay xe" quyết định thi vào trường CLC chỉ vì "lỡ" phải lòng một ngôi trường khi tham dự ngày hội Openday. Và bất ngờ, trong kỳ tuyển sinh vừa qua, em đã đỗ lớp B0 trường Trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội, đỗ Trường THCS Ngoại ngữ (UMS) và đỗ cả lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams). Em chọn UMS làm bến đỗ mới của mình.
Không luyện thi nhưng cần nhiều năm tích lũy
Chị Trà cho biết, trong các môn thi, với Linh môn Toán là vất vả nhất. Gần 60% điểm trong đề thi CLC đều nằm ở phần nâng cao lớp 4, không đi học thêm thì không thi nổi. Nên sau khi test đỗ vào lớp một giáo viên dạy Toán là cả bố lẫn con phải miệt mài học cả chương trình lớp 4 và lớp 5 nâng cao song song nhau. 3 tháng hè lớp 4 là 3 tháng đau đầu vì Toán.
Linh học Toán theo chương trình mà cô giáo dạy và làm hết bài tập về nhà trong vòng 1 năm. Ngoài ra, bố em sẽ thỉnh thoảng hỗ trợ những phần khó mà con không hiểu.
Ngược lại với Toán, Văn lại là môn Linh yêu thích từ trước tới giờ nên việc học vô cùng nhẹ nhàng. Mỗi giờ Văn là một khoảng thời gian giải trí với Linh nên chị Trà vẫn chọn cho con học cô giáo dạy Văn tư duy như cũ mà không phải chuyển sang các cô luyện thi khác.
Môn tiếng Anh là môn đặc biệt nhất và mang tới nhiều bất ngờ nhất. Bảo Linh học từ bé với giáo viên nước ngoài và khá thành thạo nghe nói đọc, nhưng chưa đi ôn qua một lớp ngữ pháp nào cả, nên gia đình rất lo lắng.
"Sau một quá trình ôn thi, mình hiểu ra rằng tiếng Anh là môn khó lên nhất, vì vốn từ phải bồi đắp dần dần chứ không học luôn và ngay như ngữ pháp được. May từ lúc bé khi học nhóm nhỏ ở một cô giáo cho tới lúc lớp nhỏ đó phát triển lên thành học viện lớn, con được học tiếng Anh thông qua các hoạt động và STEM rất nhiều nên kiến thức và từ vựng khá phong phú, có thể đọc sách và xem phim tiếng Anh thoải mái.
Lớp 4 con đã có thể đọc hết bộ Harry Potter bằng tiếng Anh rồi, và dù nghỉ dịch tới cuối lớp 4 đi thi TOEFL con được 230 điểm mà không hề qua lớp ôn thi nào). Nên với nền tảng khá chắc chắn đó, trong suốt quá trình ôn thi CLC con chỉ chú ý thêm phần ngữ pháp và viết, các phần còn lại có vẻ nhẹ nhàng với con", chị Trà chia sẻ.
Có một điều là tới trước khi thi 1 tháng, chị Trà mới biết đề Anh trường Ams có bài thi nghe, nhưng lúc đó thi UMS xong rồi nên gia đình cũng không ôn luyện gì mấy và cứ đi thi. Rất may bài đó chỉ "đoán mò" mỗi 1 câu còn lại con làm ổn hết.
Về tài liệu ôn thi, chị Trà chia sẻ, chủ yếu nhà chị làm bài tập về nhà thầy cô giao là chính, những đề trọng tâm trong bộ luyện của trường thì dùng tham khảo và định hướng, trước khi thi một vài tháng mới cho làm để con thành thạo dạng đề.
Với trường hợp của Bảo Linh, lớp 5 con mới tập trung ôn Toán, còn 2 môn Văn và tiếng Anh đã được tích lũy từ nhỏ.
8.9 điểm Anh Ams mà Linh có được là cả một quá trình từ bé tới lớn chứ không phải 1 năm ôn thi mà có được.
Vậy nên, nếu hỏi lớp 5 mới bắt đầu ôn thi liệu có thể đỗ vào Ams hoặc THCS Ngoại ngữ không thì câu trả lời của chị Trà là: Nếu các con có nền tảng sẵn cộng với khả năng tư duy tốt, học đều và ý chí thì việc bật lên để đỗ là hoàn toàn khả thi, còn bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh sẽ là rất khó.
Chị Trà cho rằng, thực sự kì thi vào CLC là cuộc chiến đối với cả mẹ cả con nếu bắt đầu muộn. Vậy nên phụ huynh vẫn cần cho con ôn sớm để đạt kết quả tốt. Nếu cho lựa chọn lại, chị sẽ chọn bắt đầu sớm hơn để bớt vất vả.
Hãy căn cứ vào năng lực của con để xác định lộ trình ôn cũng như mục tiêu phù hợp nhất. Tới lúc ôn được tầm 6-9 tháng, căn cứ qua đánh giá của thầy cô và các bài làm của con để nhận định trường nào là phù hợp với năng lực để lấy làm trọng tâm thi vào.