Long An: Trồng phong lan trên đất… nuôi tôm, nhiều nhà thu tiền tỷ, làng thành trù phú

Trần Đáng |

Những năm gần đây, 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước nổi lên như thủ phủ nuôi tôm của tỉnh Long An. Tuy nhiên, con tôm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, thị trường trong khi đó, cây hoa lan lại đang giúp một số nông dân nơi đây làm giàu bền vững.

Với nhiều người ở vùng hạ này, trồng hoa lan không chỉ là một thú vui tao nhã, mà còn là một nghề mang lại nguồn thu nhập lớn, điển hình như chị Nguyễn Ngọc Công Khanh (ấp Tân Điền, Long Thượng, Cần Giuộc).

Làm giàu trên đất ngập mặn

Chị Khanh chia sẻ, từ niềm đam mê vẻ đẹp của loài hoa lan nên vợ chồng chị đã quyết định đầu tư vốn trồng lan. Để nắm bắt kỹ thuật, chị đi tham quan tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Năm 2012, chị mạnh dạn đầu tư trồng 18.000 chậu lan. 

Nhờ tính ham học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước, nên chỉ sau 2 năm vườn lan của chị mở rộng quy mô lên 8.000m2.

Long An: Trồng phong lan trên đất… nuôi tôm, nhiều nhà thu tiền tỷ, làng thành trù phú - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Ngọc Công Khanh (bên trái ảnh) và khách hàng thu mua lan. Ảnh: T.Đ

Ông Nguyễn Văn Trầm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc cho biết, hiện một số mô hình trồng lan ở địa phương đang mang lại nhiều niềm hy vọng cho nông dân đang trong quá trình cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng, tìm tòi hướng đi mới. Bởi đây là mô hình hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập lớn, ổn định cho người nông dân.

"Trồng lan không khó nhưng muốn thành công cần phải có niềm đam mê và lòng quyết tâm, kiên trì thực sự" - chị Khanh bộc bạch.

Hiện tại, vườn lan của chị Khanh có 100 loại lan khác nhau. Mỗi năm chị cung cấp cho thị trường 200.000 chậu hoa. Để thuận lợi cho việc buôn bán, chị liên kết với những hộ trồng hoa lan tại Cần Giuộc và TP.HCM để thành lập HTX Hoa Lan Việt.

Bên cạnh trồng hoa, chị Khanh còn cung cấp và phân phối cây lan giống cho các nhà vườn có nhu cầu. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, vườn lan của chị còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động ở địa phương.

Giống như chị Khanh, chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) cũng kết duyên với hoa lan từ niềm đam mê. Trong khu vườn rộng 800m2 trồng lan ngọc điểm, chị Ngọc Duyên dành hẳn một khu vực để thử nghiệm mô hình trồng lan rừng với phương pháp khí canh trụ đứng. Tại đây, 200 trụ đứng bằng nhựa đang chen lấn nhau bởi những cây lan ngọc điểm con. Phía dưới khu vực trồng lan khí canh trụ đứng là một bể nuôi cá Koi.

Long An: Trồng phong lan trên đất… nuôi tôm, nhiều nhà thu tiền tỷ, làng thành trù phú - Ảnh 2.

Nhân viên đang cấy mô hoa lan trong phòng lab. Ảnh: T.Đ.

Theo chị Ngọc Duyên, chị quyết định theo nghề trồng lan rừng từ đầu năm 2018. Trước khi bắt tay dùng phương pháp khí canh trụ đứng trồng lan, chị đã từng trồng thành công với phương pháp thủy canh.

Chị Ngọc Duyên tính, sau 12 tháng trồng lan sẽ cho thu hoạch một nửa sản lượng. Với sản lượng này người trồng đã có thể hoàn vốn. Sau đó, người trồng sẽ có lời từ 20 - 22 triệu đồng/tháng.

Cũng theo chị Ngọc Duyên, nghề trồng lan đã giúp người trồng ở địa phương có thu nhập ổn định, tăng tỷ lệ khá giàu, tăng tỷ lệ lao động có việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người…, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình làm nông thôn mới tại địa phương.

"Mỗi năm từ nghề trồng lan rừng tôi có doanh thu 500 triệu đến 1 tỷ đồng" - chị Duyên chia sẻ.

Lập phòng cấy mô

Nhận thấy tiềm năng kinh tế dồi dào từ cây hoa lan mang lại, một số nông dân giờ không chỉ trồng mà còn lập phòng cấy mô nhân giống hoa lan cung cấp cho thị trường. Theo đó, sau 5 năm gắn bó với nghề trồng hoa lan, anh Trần Anh Thy (ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) đã đầu tư lập phòng nuôi cấy mô để cung cấp cây con giống cho các nhà vườn, thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Anh Thy cho biết, anh bắt đầu trồng thử nghiệm hoa lan vào năm 2013. Nhờ tính ham học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước, nên chỉ sau vài năm vườn lan của anh mở rộng quy mô 2,5ha, với 100 loại lan khác nhau. Trong một lần được đi tham quan học tập kinh nghiệm tại Thái Lan, anh nhận thấy gần như vườn lan nào ở đây cũng có phòng nuôi cấy mô để chủ động nguồn giống.

Hiện tại, anh Thy có 2 phòng cấy mô hoa lan, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động ở địa phương. Mỗi năm, anh cung cấp cho thị trường 500.000 cây giống và 1 triệu cây mô. "Tôi dự định mở thêm phòng cấy mô. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật trồng, hỗ trợ đầu ra cho các nhà vườn" - anh thổ lộ.

Bức bách vì chi phí nhập giống hoa lan từ Thái Lan khá cao, lại không chủ động được nguồn giống tốt nên anh Phạm Huỳnh Nhật Tân (xã Phước Đông, Cần Đước) cũng đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng phòng cấy mô nhằm bảo đảm nguồn giống cho vườn nhà và cung cấp cây giống cho các vườn trồng lan chuyên canh.

Anh Tân cho biết, phòng lab cấy mô hiện có diện tích gần 2.000m2, gồm: Phòng cấy (30 tủ), phòng máy lắc, phòng nồi hơi, phòng đựng chai… "Nhiều nhà vườn lan đã ký hợp đồng nhận cây giống của chúng tôi. Vì đã có môi trường chuẩn nên tôi đảm bảo giống lan chất lượng tốt mà giá lại rẻ hơn so với giống lan nhập khẩu" - anh Thiện khẳng định.

Theo đó, nếu một chai giống lan cấy mô Thái Lan có giá hơn 130.000 đồng thì giống lan cấy mô của anh Thiện chỉ khoảng 100.000 đồng/chai.

Ông Nguyễn Văn Trầm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc cho biết, hiện một số mô hình trồng lan ở địa phương đang mang lại nhiều niềm hy vọng cho nông dân đang trong quá trình cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng, tìm tòi hướng đi mới. 

Đây là mô hình hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập lớn, ổn định cho người nông dân, đặc biệt là góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo ông Trầm, tại xã Phước Lại đã thành lập“Hội quán nông dân” với các hoạt động sinh hoạt định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm quý về trồng hoa lan giữa các nông dân.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại