Lời phê vào lý lịch là căn bệnh từ thế kỷ trước

Hiệu Minh |

Quốc gia vào thế kỷ 21, lý lịch cũng cần thay đổi. Gia đình chấp hành không đảm bảo con cái chấp hành. Gia đình phạm tội không nói lên con cái sẽ phạm tội.

Lý lịch thế kỷ 20

Năm 1992, tôi ra khỏi biên chế cơ quan cũ và nơi mới yêu cầu mang hồ sơ cán bộ có từ thời vào đại học (1970) và những năm sau này du học được đoàn sinh viên chứng thực, sứ quán sở tại chấp bút, cơ quan ở Hà Nội nhận vào biên chế. Lý lịch một đời người được đóng đinh bởi những lời phê của một số cán bộ có quyền thế.

Nhớ năm 1970, lần đầu làm lý lịch để vào đại học phải khai ba đời, ông bà cha mẹ và bản thân. Một thằng cu 16-17 tuổi, sắp tốt nghiệp cấp 3 biết gì về thế sự như vẫn ghi như thuộc lòng vào các mục thành phần gia đình, có làm việc cho đế quốc phong kiến, kể cả ý thức tổ chức kỷ luật, một thứ mơ hồ.

Lời phê vào lý lịch là căn bệnh từ thế kỷ trước - Ảnh 1.

Ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch xã An Bình (huyện Nam Sách, Hải Dương) có bút phê trên lý lịch của công dân thẳng thắn nhận sai. Ảnh: Vietnamnet.

Gần 30 năm cái hồ sơ ấy đi theo suốt cuộc đời người viết bài này, trong đó có câu phê của chủ tịch xã vào trang cuối của sơ yếu lý lịch "Gia đình không làm gì cho đế quốc phong kiến, có ý thức xây dựng đất nước. Cho anh X đi học đại học trong nước, không được đi học nước ngoài".

Không hiểu khi phê như thế thì ông chủ tịch có hỏi ý kiến ai hay đó là ý kiến chủ quan của ông ta. Dù phê "không được đi học nước ngoài" nhưng bên tuyển sinh vẫn công bằng nên tôi được lựa chọn.

Số tôi may hơn rất nhiều bạn dù tài năng nhưng họ phải ở nhà, phải đi chiến trường do ông bà từng giầu hơn chút và bị tố làm địa chủ. Một đứa bé vừa sinh ra phải mang "tội" do người mà nó không biết mặt để lại, mà nhiều "tội" do "nặn" sai nhưng không ai chịu sửa. Định kiến trong đầu là mãi mãi.

Vụ việc vừa xảy ra ở một xã ở Hải Dương, vị chức sắc ở xã tự nhiên phê vào sơ yếu lý của nữ cử nhân đi xin việc với nội dung "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương" là não trạng từ thế kỷ trước.

Thay vì chỉ chứng nhận từ thời gian này đến thời gian kia đương sự sống tại địa phương hoặc phần khai về bố mẹ, anh chị em, vợ chồng, là đúng tại địa phương.

Phê về đạo đức, lối sống của một người, một gia đình là không thể. Đó chỉ là ý kiến cá nhân, không thể là đại diện cho chính quyền để làm việc đó. Người hưởng lương và quyền lợi của người dân đóng thuế lại quay sang phê lý lịch tốt xấu cho người cấp tiền, liệu có nên chăng?

Bút sa gà chết, đưa một người lên đỉnh vinh quang, kéo người khác xuống bùn đen, sang thế kỷ 21 rồi mà vẫn tiếp tục não trạng phê vào lý lịch như giữa thế kỷ 20.

Lời phê vào lý lịch là căn bệnh từ thế kỷ trước - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương bút phê vào sơ yếu lý lịch của chị Nguyễn Thị Quyên.

Người Mỹ có dùng lý lịch?

Câu trả lời là có. Những công việc quan trọng thì chắc chắn phải có người đi điều tra lý lịch như bất kỳ nơi đâu trên thế giới này.

Lời phê vào lý lịch là căn bệnh từ thế kỷ trước - Ảnh 3.

Mấy năm trước ở Virginia, đang ngồi nhà bỗng có chuông kêu. Mở cửa thì một vị xuất hiện giơ thẻ FBI và tỏ ý muốn phỏng vấn gia đình về người đàn ông bên cạnh. Ông ta có nói rõ là đang tuyển việc vị kia nên cần tìm hiểu nhân thân, vị kia có say rượu, có hay đánh lộn.

Chắc chắn họ sẽ hỏi thêm hàng xóm và không chỉ một người hỏi. Nửa năm sau gặp bác hàng xóm thấy vui vì đi bảo vệ an ninh cho sứ quán nào bên châu Phi.

Tuyển vào tổ chức quốc tế như World Bank thì họ không yêu cầu ai xác nhận hồ sơ lý lịch mà chỉ khai làm ở đâu, thời gian nào, làm việc gì, địa chỉ liên hệ. Đã làm ở đây thì phải khai lý lịch trung thực, nếu phát hiện gian dối sẽ bị đuổi mà không được bất kỳ quyền lợi nào.

Khi tuyển vào làm việc, bên tuyển dụng quan tâm đến kỹ năng, kinh nghiệm của ứng viên, say mê công việc hay không, có chung mục đích với công ty. Qua những câu hỏi, họ có thể đoán được ứng viên có hợp với công việc chứ không liên quan tới ông bà cha mẹ có làm cho đế quốc phong kiến.

Vì thế CV – hồ sơ xin việc - là vài trang A4 không có ai xác nhận kiểu "gia đình thành phần cơ bản, chấp hành tốt chính sách nhà nước". Gia đình chấp hành không đảm bảo con chấp hành và gia đình phạm tội không nói lên con sẽ phạm tội.

Người Mỹ chuyển việc như cơm bữa. Trung bình cứ 4,2 năm họ chuyển một lần. Một đời làm việc 40 năm, người Mỹ chuyển từ 10-12 lần, thay đổi gia đình, nhà cửa theo việc. Gặp một ông bảo "cô vợ thứ 4 của tôi vừa mất" là bình thường.

Nếu phải xác nhận hồ sơ lý lịch tại địa phương lại càng không thể vì nước Mỹ trải dài 50 bang với 7 múi giờ từ Florida đến California, lên Alaska và tới Hawaii, mà mỗi lần phài xin xác nhận của địa phương từng sinh sống với tần suất đổi việc 4 năm một lần thì bó tay com.

Quốc gia sang thế kỷ 21 lý lịch cũng nên theo thời đại mới. Đi xin việc đâu đó hãy để ứng viên tự chịu trách nhiệm với lời khai của mình. Nếu sai phải ra tòa, phải mất việc, phải chịu nhiều rủi ro, thay vì bắt đứa trẻ ra phải khai lý lịch ông bà đã ở nơi chín suối và việc họ có tội chẳng liên quan gì.

Lời nhận xét của ai đó về một người nào đó trong hồ sơ lý lịch chỉ là ý kiến của riêng một người và không thể dùng đó làm thước đo cho tuyển việc hay thăng tiến. Nhưng chắc chắn người đóng tiền thuế khó mà đồng ý với lời phê của "đầy tớ được trả lương" làm ảnh hưởng tới sự nghiệp và cuộc đời của họ.

Bỏ não trạng "chủ nghĩa lý lịch" thì dễ thực hiện lời Tuyên ngôn cụ Hồ đọc "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại