Lợi nhuận từ 3 liên doanh giảm mạnh
Dù hoạt động kinh doanh chính của VEAM bao gồm sản xuất xe tải, máy nông nghiệp và phụ tùng ô tô, nhưng thực chất “bầu sữa” chính của VEAM chính là lợi nhuận thu về hàng năm từ 3 liên doanh Honda, Toyota, và Ford. Bên cạnh đó là nguồn thu nhập từ tiền gửi ngân hàng vốn chiếm 15% lợi nhuận ròng hàng năm của VEAM.
VEAM nhận định nhu cầu ô tô, xe máy trong nước sẽ gặp khó để tăng trưởng trong năm 2021 do tác động của dịch bệnh gia tăng khi làn sóng thứ ba và thứ tư bùng phát.
Cùng với đó, thời gian giãn cách kéo dài tại các thành phố lớn và thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội tạo áp lực lên lợi nhuận các công ty liên doanh do VEAM góp vốn như Honda, Toyota và Ford.
Đối với Honda, thị trường xe máy Việt Nam bão hòa nhanh và xe máy điện lên ngôi tiếp tục là mối quan ngại chính, trong khi liên doanh ô tô với Toyota và Ford được dự báo tăng trưởng thấp hơn do mức nền so sánh cao năm ngoái và dự kiến sẽ không có thêm các chính sách hỗ trợ mới nào đối với ngành ô tô trong năm nay.
Thu nhập từ tiền gửi, chiếm 95% doanh thu tài chính hàng năm và 15% lợi nhuận ròng của VEAM chịu ảnh hưởng từ lãi suất tiền gửi giảm mạnh trong 2020 và nửa đầu 2021. Lãi suất tiền gửi trung bình của VEAM đã giảm từ 6,5% trong 2020 còn 5,5% trong 6 tháng đầu năm 2021, nên công ty ước tính thu nhập tài chính trong năm nay sẽ giảm 20%.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 của VEAM cho thấy, doanh thu giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 977 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.488 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Honda, Toyota, Ford) đạt tới 1.282 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm tới 29% so với quý 4/2020. Điều này là do doanh số xe máy của Honda giảm mạnh, cũng như các liên doanh ô tô của VEAM mất thị phần đáng kể.
Đáng chú ý, liên doanh lớn nhất của công ty trong phân khúc ô tô là Toyota có mức doanh thu giảm 3% so với cùng kỳ trong quý 1/2021 mặc dù tổng doanh số ô tô cả nước tăng 25%.
Báo cáo của VEAM cho thấy, lợi nhuận quý 1/2021 do liên doanh Honda đóng góp đạt 1.132 tỷ đồng, tăng 6% so với quý 1/2020 nhưng giảm 23% so với quý 4/2020. Lợi nhuận từ Toyota đạt 141 tỷ đồng, tăng 8% so với quý 1/2020 nhưng sụt giảm tới 52% so với quý 4/2020.
Đáng chú ý, liên doanh Ford Việt Nam chỉ đóng góp 10 tỷ đồng cho lợi nhuận quý 1 của công ty, giảm 68% so với quý liền trước.
Chưa thể lên sàn HNX
VEAM hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM và con đường niêm yết trên sàn HNX vẫn tiếp tục gập ghềnh do công ty vẫn còn những ý kiến kiểm toán ngoại trừ về các khoản cho vay nội bộ. Hơn nữa, công ty cũng đang tiếp tục tìm cách thanh lý hàng tồn kho xe tải EURO 2 với giá trị sổ sách khoảng 960 tỷ đồng theo bảng cân đối kế toán tháng 3/2021.
Được biết, từ đầu năm đến nay công ty đã thuê 4 lần dịch vụ thẩm định khác nhau để định giá và tìm giải pháp bán hàng tồn kho này.
Giải quyết hàng tồn kho xe tải EURO 2 không hề đơn giản với VEAM khi tiêu chuẩn khí thải EURO 3 đã trở thành quy định bắt buộc tại Việt Nam cũng như các nước châu Á lân cận. Lối thoát duy nhất chỉ có thể tìm được thị trường cho phép xe tải EURO 2 hoạt động.
Lô hàng tồn kho này được sản xuất trước năm 2017 và đã có ít nhất đã 5 năm tuổi. Đến nay, VEAM chỉ trích lập dự phòng khoảng 310 tỷ đồng, còn 650 tỷ đồng hàng tồn kho lỗi thời này có thể sẽ được khấu trừ vào kết quả kinh doanh của VEA trong những năm tới.
Tại ĐHCĐ năm 2021, công ty đã đề xuất chỉ trả cổ tức 4.990 đồng/cp với lý do tình hình đại dịch, VEAM cần giữ thêm tiền mặt để phòng trừ rủi ro tiềm năng trong giai đoạn này, và cũng chuẩn bị trích lập dự phòng cho một số khoản mục trong năm 2021, do đó tỷ lệ cổ tức giảm.
Theo dự tính của CTCK SSI, năm 2022 thậm chí cổ tức của VEAM có thể thấp hơn (4.000 đồng/cp; tỷ suất cổ tức 8%), do được trích từ lợi nhuận của một năm thấp điểm như 2020.