Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng FPTShop - mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2019 với doanh thu thuần 13.755 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 10,6%, chỉ đạt 236 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo tính toán của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) trong báo cáo nhận định mới đây, trong tháng 10/2019, doanh thu thuần của FPT Retail tăng 3%, trong khi lợi nhuận sau thuế bất ngờ giảm 83,8%.
Tăng trưởng lợi nhuận thấp trong 9 tháng và 10 tháng năm nay của FPT Retail được ACBS lý giải bởi 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, biên lợi nhuận gộp thu hẹp về mức 12,7% trong 9 tháng năm nay so với 13,4% trong cùng kỳ năm ngoái, do công ty tiến hành thanh lý các sản phẩm phụ kiện cũ trong giai đoạn đầu năm và các mẫu iPhone cũ trong quý III để chuẩn bị cho đợt bán iPhone mới.
ACBS kỳ vọng biên lợi nhuận này có thể phục hồi trong năm sau do công ty chuyển sang mua phụ kiện trực tiếp từ nhà cung cấp Trung Quốc thay vì từ nhà cung cấp trong nước.
Thứ hai, FPT Retail tiến hành trích dự phòng nợ xấu cho chương trình F-Friends và điện thoại trợ giá. Nguyên nhân đến từ một số lỗi trong phần mềm khóa máy mà nhiều khả năng FPT Retail và đơn vị bảo hiểm sẽ không đạt được thỏa thuận về trách nhiệm bảo hiểm.
Khoản dự phòng này dự kiến sẽ trích xong trong năm 2019, do đó, theo ACBS, lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 của FPT Retail vẫn bị ảnh hưởng.
F-Friends hiện đóng góp 3-4% doanh thu chuỗi FPT Shop, trong khi chương trình điện thoại trợ giá đã dừng lại kể từ tháng 7 do thiếu các gói ưu đãi từ nhà mạng.
Thứ ba, FPT Retail bắt đầu đầu tư mạnh cho dự án chuyển đổi số cho tất cả các chuỗi, dẫn đến chi phí tăng vọt trong tháng 10.
Dự án này nhằm nâng cấp hệ thống vận hành của FPT Retail để phục vụ cho việc mở rộng không chỉ các chuỗi hiện tại, đặc biệt là Long Châu, mà cả mảng hoạt động mới mà công ty dự kiến sẽ công bố trong tương lai gần.
Thông tin chi tiết về dự án chuyển đổi số chưa được công bố, mặc dù việc ghi nhận chi phí dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020.
ACBS cho rằng đây là một trong những yếu tố đáng chú ý gây áp lực lên lợi nhuận của công ty trong năm sau, tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng có thể trở lại sau đó.
Tính đến tháng 10/2019, FPT Shop có 585 cửa hàng đang hoạt động, gồm 52 cửa hàng mới so với năm 2018.
"Chúng tôi cho rằng FPT Retail sẽ tiếp tục với mục tiêu thúc đẩy doanh thu trên mỗi cửa hàng thông qua việc gia tăng số lượng mặt hàng/dịch vụ hơn là mở rộng mạnh mẽ mạng lưới cửa hàng", ACBS nhận định.
Công ty dự kiến mở rộng ngành hàng laptop nhằm nắm bắt sự phục hồi của thị trường sản phẩm này gần đây. Sản phẩm kính mát cũng đang được bán thử nghiệm trong chuỗi FPT Shop, với số lượng cửa hàng vào cuối tháng 9 là 20 và dự kiến tăng lên con số 80 vào cuối năm sau. Sản phẩm kính thuốc sẽ thử nghiệm trong chuỗi nhà thuốc.
Đối với chuỗi cửa hàng dược phẩm Long Châu, trong 9 tháng năm nay, Long Châu ghi nhận 496 tỷ đồng doanh thu thuần, đóng góp 4% vào kết quả chung của FPT Retail, với 50 cửa hàng đang hoạt động vào cuối tháng 9 và 56 cửa hàng tính đến tháng 10.
FPT Retail đã ký được nhiều hợp đồng thuê địa điểm cho Long Châu, do đó kế hoạch đạt 70 cửa hàng tổng cộng vào cuối năm 2019 rất có thể sẽ đạt được.
Công ty đặt mục tiêu tổng số lượng cửa hàng Long Châu năm 2020 đạt 220 và 2021 đạt 420.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh về mặt bằng bán lẻ ngày càng tăng, việc mở nhà thuốc thường phải thỏa mãn nhiều yêu cầu đặc thù (nguồn nhân lực, đánh giá tiêu chuẩn GPP,...), vì vậy, ACBS thận trọng dự báo kế hoạch mở rộng này của công ty có thể mất thêm 1 -2 năm nữa mới có thể đạt được.
Công ty chứng khoán này dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FPT Retail trong 2019 đạt lần lượt là 17.127 tỷ đồng (tăng 12% so với năm ngoái) và 298 tỷ đồng (giảm 14,3%).
Cho năm 2020, dự báo doanh thu thuần sẽ tăng 11,2%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 6%.