"Lời nhắc nhở" 100 triệu đô với Ấn Độ: Không phải Trung Quốc, Việt Nam mới là đối thủ đáng gờm nhất

Minh Khôi |

Bloomberg cho rằng, cần thừa nhận rằng Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất.

Ấn Độ có thể thua Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện tử

Mặc dù Ấn Độ đang nhận được nhiều đầu tư nước ngoài, nhưng thông báo của Tập đoàn Công nghệ Foxconn vào tháng trước rằng họ sẽ chi 100 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam là một lời nhắc nhở rằng tập đoàn này không "độc quyền" trong việc các doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

Mexico, Thái Lan, Indonesia và Cộng hòa Séc cũng đang nỗ lực đảm bảo nguồn tài trợ bổ sung để xây dựng chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất máy tính và điện tử toàn cầu.

Nếu Ấn Độ muốn xây dựng một ngành sản xuất máy tính và điện tử vững mạnh, nước này cần phải chuyển trọng tâm nhanh chóng. Thay vì tập trung vào thị trường nội địa, Ấn Độ cần trở nên cạnh tranh trong khu vực và định hướng xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là thừa nhận rằng Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, là đối thủ lớn nhất của quốc gia Nam Á - Bloomberg bình luận.

Lời nhắc nhở mới nhất về sự cấp bách này được đưa ra vào tuần trước với lời kêu gọi của Mỹ đối với New Delhi nhằm tạo ra môi trường kinh doanh dễ dàng và minh bạch hơn để điều hướng, nếu không sẽ tiếp tục mất đi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Quan điểm trên càng được củng cố khi nguồn tin Reuters dẫn tài liệu không công khai của Thứ trưởng Công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar nhận định Ấn Độ có thể bị tụt lại phía sau Trung Quốc và Việt Nam trong nỗ lực trở thành trung tâm xuất khẩu điện thoại thông minh lớn.

Sản xuất điện thoại thông minh là một phần quan trọng trong tham vọng thúc đẩy nền kinh tế và tạo việc làm của Thủ tướng Narendra Modi bằng cách thu hút các công ty như Apple, Foxconn và Samsung tới thị trường di động lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, nơi ghi nhận giá trị sản xuất tăng 16% so với cùng kỳ lên 44 tỷ USD vào năm ngoái.

Đối thủ thực sự

"Ấn Độ có chi phí sản xuất cao do mức thuế cao nhất trong số các điểm đến sản xuất quan trọng. Việc tái tổ chức địa chính trị đang buộc các chuỗi cung ứng phải dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc… Chúng ta phải hành động ngay, nếu không họ sẽ chuyển sang Việt Nam, Mexico và Thái Lan", nội dung văn bản của Thứ trưởng Chandrasekhar nêu.

Mức thuế thấp hơn đối với linh kiện là chìa khóa cho tham vọng thu hút các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Ấn Độ. Điện thoại "Made in India" sử dụng nhiều bộ phận được sản xuất tại địa phương, nhưng các công ty nhập khẩu nhiều bộ phận cao cấp từ Trung Quốc và các nơi khác do hạn chế về chuỗi cung ứng.

Những bộ phận này sau đó phải chịu mức thuế cao mà chính phủ đưa ra để bảo vệ các nhà sản xuất địa phương, làm tăng chi phí chung.

Ông Chandrasekhar trong tài liệu của mình chỉ ra rằng mức thuế hấp dẫn hơn ở Trung Quốc và Việt Nam đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của họ như thế nào. Ông cho biết, xuất khẩu chỉ chiếm 25% sản lượng điện thoại thông minh của Ấn Độ vào năm ngoái, so với 63% trong tổng sản lượng trị giá 270 tỷ USD của Trung Quốc và 95% trong tổng giá trị 40 tỷ USD của Việt Nam.

Ấn Độ đang tìm cách chiếm 25% sản lượng điện tử toàn cầu vào năm 2029, nhưng các tài liệu chính thức cho thấy tỷ trọng của nước này hiện chỉ ở mức 4%, mặc dù Apple, Foxconn và Xiaomi đều đã tăng cường sản xuất gần đây. Các tài liệu của Chandrasekhar đã được gửi tới Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman vào tháng trước để vận động giảm mức thuế trong ngân sách hàng năm.

Tuần trước, Xiaomi đã đề nghị riêng New Delhi giảm thuế đối với nhiều linh kiện được sử dụng trong máy ảnh và cáp USB, với lý do điều này sẽ giúp "phù hợp với các nền kinh tế sản xuất cạnh tranh như Trung Quốc và Việt Nam".

Trong khi nhu cầu địa phương tăng cao đã giúp ngành sản xuất địa phương có lãi, ông Chandrasekhar viết trong thư rằng "thị trường điện thoại thông minh nội địa này sẽ sớm gần bão hòa" và do người dùng không thay đổi điện thoại thường xuyên. Quan chức này cho biết mục tiêu của Ấn Độ là đưa sản lượng điện thoại di động lên hơn 100 tỷ USD mỗi năm - với 50% trong số đó được xuất khẩu - cần một chiến lược mới.

"Thuế quan đang trở thành một trở ngại. Chúng ta cần thay đổi chính sách thuế quan để phù hợp với tham vọng mới của mình. Xuất khẩu chứ không phải nội địa".

Trong một diễn biến sau đó, chính phủ Ấn Độ giảm thuế đối với một loạt linh kiện nhập khẩu bao gồm vỏ pin, ống kính, ăng-ten và các bộ phận cơ khí từ 15% xuống 10%.

Tín hiệu ban đầu sai lầm

Hầu hết các quốc gia đều đưa ra các chính sách khuyến khích tương tự nhau để thu hút các nhà đầu tư, bao gồm giảm thuế, khu thương mại tự do hoặc khu công nghiệp chuyên dụng, các dịch vụ tiện ích được giảm giá như nước và điện, đất đai miễn phí và các cam kết cung cấp lao động. Nhưng Ấn Độ nổi bật so với các nước cùng ngành trong việc thực hiện thuế nhập khẩu cao hơn, điều này thúc đẩy các công ty thành lập trong nước để cung cấp cho người tiêu dùng địa phương nhưng khiến họ kém cạnh tranh hơn trên thị trường xuất khẩu.

Chính sách "Sản xuất tại Ấn Độ" của chính phủ Modi được đưa ra cách đây một thập kỷ thoạt nhìn có vẻ đã đạt được kết quả mong muốn. Chính phủ đã tăng thuế đối với các sản phẩm được sản xuất, từ đó thúc đẩy các công ty như Foxconn và Pegatron Corp. mở rộng hoạt động ở đó để tránh những mức thuế đó.

Thành công ban đầu đó là một tín hiệu sai lầm. Việc sản xuất ở Ấn Độ chỉ dành cho Ấn Độ đơn giản là không khả thi. Chỉ cần so sánh với Trung Quốc, nơi có hơn 1 tỷ người dùng điện thoại thông minh, sẽ thấy rằng chỉ riêng thị trường nội địa là không đủ để duy trì chuỗi cung ứng điện tử lớn và phức tạp. Phần lớn những gì được sản xuất ở Trung Quốc đều được xuất khẩu.

Để Ấn Độ thành công, nước này cần bắt đầu tư duy hướng ngoại, điều đó có nghĩa là hiểu rằng môi trường đầu tư và kinh doanh ở đó không có tính cạnh tranh. Nghiên cứu cho thấy rằng đối với hơn 85% danh mục thuế trong lĩnh vực điện tử, thuế của Ấn Độ cao hơn Trung Quốc, Mexico, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, New Delhi càng sớm hiểu rằng họ đang cạnh tranh để giành được dòng vốn đầu tư nhằm thúc đẩy sản xuất xuất khẩu và rằng môi trường kinh doanh của họ không tốt bằng các đối thủ trong khu vực như Việt Nam, thì New Delhi càng có thể nhanh chóng bắt tay vào việc mở đường cho sự thành công của quốc gia. Tín hiệu rõ ràng nhất mà chính phủ có thể đưa ra để cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng Ấn Độ đã sẵn sàng kinh doanh là xóa bỏ thuế quan.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại