Cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang tạm giữ hình sự Trần Văn Thành (32 tuổi, ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) để điều tra, làm rõ về hành vi cướp giật tài sản.
Trần Văn Thành được xác định là nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội vào chiều 6/11.
Tại cơ quan điều tra, Thành khai nhận, bản thân nghiện ma túy. Do cần tiêu xài và sử dụng ma túy nên Thành đã vào ngân hàng cướp giật tài sản.
Một cán bộ Công an huyện Chương Mỹ cho biết, ở địa phương Thành chưa có tiền án tiền sự nhưng là đối tượng nghiện ma túy, cơ quan chức năng đang lập hồ sơ đưa đi cai nghiện thì đối tượng gây án.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào trưa chiều 6/11, Thành đã vào một ngân hàng trên địa bàn thôn Đồi 1, xã Đông Phương Yên với ý đồ lợi dụng sơ hở của khách hàng giao dịch để cướp tài sản.
Đến khoảng 14h30 phút cùng ngày, khi chị Trần Thị L. (trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) thực hiện giao dịch thì Thành bất ngờ giật chiếc túi bên trong có khoảng 200 triệu đồng của vị khách này.
Bị cướp bất ngờ, chị L. và nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng hô hoán kêu cứu. Đúng lúc này, một tổ công tác của Công an huyện Chương Mỹ trong quá trình đi tuần tra, kiểm soát trên địa bàn nghe thấy tiếng kêu đã nhanh chóng tiếp cận.
Ngay sau đó, tổ công tác đã tóm gọn Nguyễn Văn Thành cùng toàn bộ tang vật của vụ án.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyên Anh cho biết, hành vi của đối tượng Thành có dấu hiệu cấu thành tội "Cướp giật tài sản" theo điều 136 bộ Luật hình sự.
Bởi đối tượng lợi dụng chị L không chú ý, bất ngờ giật lấy túi sách bên trong có số tiền 200 triệu.
"Trong trường hợp bị truy tố về hành vi cướp giật tài sản là số tiền 200 triệu đồng nghi phạm sẽ đối mặt với án phạt tù từ 7 - 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 136 Bộ Luật hình sự...", Luật sư Thơm cho biết.
Điều 136. Tội cướp giật tài sản
1.Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.