Lời hứa của Thủ tướng và niềm tin của doanh nghiệp

Văn Nam |

Sau hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại TPHCM ngày 29-4 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi sự đột phá về độ mở trong chủ trương, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đổi mới hoạt động của các bộ ngành

Trao đổi với TBKTSG ngay sau hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, bày tỏ sự phấn khởi khi cho rằng nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn của hiệp hội này dự kiến sẽ được giải quyết trong cuộc họp giữa các vị lãnh đạo đứng đầu TPHCM với các bộ ngành liên quan trong vài tuần tới.

Một số doanh nhân tham dự hội nghị chia sẻ điểm mấu chốt được họ chờ đợi là những hành động thiết thực, rốt ráo trong cải cách thủ tục hành chính, truy rõ trách nhiệm, thái độ thực thi công vụ của đội ngũ công chức các cấp đối với doanh nghiệp.

Nhìn lại hiệu quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết ở thời điểm cuối năm 2015 có 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi.

Con số 42% tuy đã được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, nó thể hiện hiệu quả kinh doanh còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Theo ông Lộc, tuy số doanh nghiệp mới thành lập có tăng lên, nhưng sự chênh lệch giữa số doanh nghiệp mới thành lập và số doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động đang thu hẹp lại.

Điều này rất đáng suy ngẫm trong một nền kinh tế thị trường còn non trẻ và mở cửa hội nhập với nhiều cơ hội kinh doanh như Việt Nam.

Cũng qua trao đổi với TBKTSG, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết những khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua chậm nhận được sự tiếp sức từ chính sách, thậm chí đôi khi còn nhiêu khê bởi con đường dài từ nghị quyết đến nghị định, rồi thông tư, hướng dẫn...

“Có khi chờ cả năm trời mà nghị quyết vẫn chưa đi vào cuộc sống”, ông nói.

Chính phủ cần lắng nghe “những người tiên phong”, nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để các bộ, ngành đổi mới hoạt động, bỏ những cái cũ lạc hậu, áp dụng những cái mới, tiến bộ.

Theo ông Minh, giờ đây, điều doanh nghiệp cần nhất là sự hành động. Điều đáng mừng là ông nhận thấy những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ với gần 1.000 doanh nghiệp tham dự hội nghị thể hiện quan điểm dứt khoát.

Các giải pháp đề ra cũng cụ thể hơn. Xong hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng đã tổ chức họp ngay trong ngày với các bộ trưởng về nhiệm vụ tháo gỡ những khó khăn.

“Cá nhân tôi có niềm tin vào những cam kết của Thủ tướng, nhưng tôi cũng cho rằng cần phải kiểm tra định kỳ xem việc triển khai các giải pháp tháo gỡ của bộ máy thực thi như thế nào...”, ông Minh nói.

Ngay ở phần phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định vai trò đi đầu trong xây dựng đất nước của cộng đồng doanh nghiệp, bởi khả năng tạo việc làm, tạo của cải cho xã hội và mang lại kim ngạch xuất khẩu cho nền kinh tế.

Do vậy, Chính phủ cần lắng nghe “những người tiên phong”, nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để các bộ, ngành đổi mới hoạt động, bỏ những cái cũ lạc hậu, áp dụng những cái mới, tiến bộ.

Phát biểu trước hội nghị, đại diện các cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và nhiều doanh nghiệp trong nước đã liệt kê hàng loạt khúc mắc về chính sách cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, phản ánh ngành hàng không hiện còn bị nhiều rào cản, vướng mắc, còn cơ chế độc quyền và nhiều định kiến, hạn chế đối với hàng không tư nhân.

Theo bà Thảo, vẫn còn những khúc mắc trong cơ chế điều hành, phối hợp các cơ quan liên quan đến ngành hàng không như cảng vụ, sân bay, hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh, kiểm dịch.

Bà kiến nghị: “Cần tạo điều kiện hơn nữa cho các hãng hàng không tham gia quy hoạch hạ tầng các sân bay, nhà ga và xây dựng cơ chế cho phép hàng không tư nhân góp sức nhiều hơn trong cải tạo, đầu tư các cơ sở hạ tầng sân bay”.

Giải tỏa nỗi lo chính sách của doanh nghiệp

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thời gian qua tuy có nhiều chính sách cho phát triển doanh nghiệp nhưng vẫn bị cắt khúc, manh mún, chưa đồng bộ; quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc; khu vực doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, và các yếu tố này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Người đứng đầu lĩnh vực kế hoạch - đầu tư của quốc gia đã đưa ra cam kết tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giữ công bằng trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các nguồn lực về đất đai, tài nguyên và vốn của quốc gia giữa doanh nghiệp các thành phần kinh tế.

Ông Dũng cho biết: “Trong giai đoạn 2016-2020, chúng tôi sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt, thực thi những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đúng theo quan điểm người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết Nhà nước sẽ đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn làm ăn.

Theo Thủ tướng, các quy định về điều kiện phải lượng hóa được theo hướng minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư tự đánh giá và tuân thủ, đáp ứng được yêu cầu với chi phí thấp, giảm rủi ro trong kinh doanh.

Các quy định mới ban hành phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp và lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết ngăn chặn hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trước mắt, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết sẽ không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng và sẽ nghiên cứu giảm lãi suất vay.

Chính phủ thống nhất giảm 1% lãi suất vay trung, dài hạn, và cho những lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu một gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào khoa học công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại