Năm 2020, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3- 4,3 triệu phụ nữ, đây là con số được Bộ Y tế đưa ra tại buổi công bố Nghị quyết về công tác dân số và công tác y tế trong tình hình mới.
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác dân số trong 25 qua, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoach hoá gia đình cũng thừa nhận hạn chế do mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể.
Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế)
Ông Tân phân tích: hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã diễn ra phổ biến tại 5/6 vùng kinh tế xã hội trong cả nước, riêng khu vực Tây Nguyên tình trạng này ít hơn nhưng cũng đang nhích lên.
Vùng Đồng bằng Sông Hồng là nơi xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất, bán kính xung quanh Hà Nội 100km có tỷ lệ là 115 bé trai/100 bé gái, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… tỷ lệ là 120-122 bé trai/100 bé gái.
Theo ông Tân, có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do tâm lý muốn có con trai; nguyên nhân tiếp theo là sự phát triển của khoa học công nghệ y học tiên tiến làm cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh ngay từ lần sinh đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng là việc đảm bảo an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bố mẹ khi về già…
Bên cạnh đó, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh.
“Các nguyên nhân này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đến năm 2020 nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3- 4,3 triệu phụ nữ hay nói cách khác là 2,3- 4,3 triệu đàn ông Việt sẽ có nguy cơ khó lấy được vợ”- ông Tân nhấn mạnh.
Nhìn sang các nước khác trong khu vực, tỷ lệ mất cân bằng giới tính quá cao trong nhiều năm qua đã khiến Ấn Độ và Trung Quốc thiếu trầm trọng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Điều này đã tạo ra những căng thẳng rất lớn trong xã hội tại quốc gia này, dẫn đến tình trạng một số lượng lớn nam giới không thể lấy vợ hoặc có bạn tình.
Vấn đề cũng xảy ra ở Hàn Quốc và Đài Loan, khiến cho nam giới ở các nước này buộc phải tìm vợ ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu Việt là một trong những hệ luỵ trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ mà nguyên nhân chính là do tăng tỷ số giới tính khi sinh.
Tình trạng này sẽ phức tạp hơn trong 20 năm nữa nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ.
Theo thống kê, các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia…cũng không dư phụ nữ để cho chúng ta “nhập khẩu” về làm cô dâu, nếu may mắn thì đàn ông Việt Nam có thể sang các nước châu Phi để tìm bạn đời.
Khi những con số “biết nói” được lan truyền trên các trang mạng xã hội đã trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi, chị Thu Loan (Hà Nội), mẹ của hai bé trai đã bắt đầu lo lắng cho tương lai của con:
“Bây giờ con trai thì nhiều mà con gái lại ít nên càng có giá, anh nào có điều kiện, có công việc đàng hoàng thì còn lấy được vợ chứ như nhà mình thì con hoàn toàn có thể nằm trong số những người ế vợ”.
Thậm chí, có những bà mẹ lo xa, mai mối cho con từ khi còn bé, họ tìm trong những người quen của gia đình có ai phù hợp thì đề nghị kết thông gia. Câu chuyện thật như đùa này đã không còn quá xa lạ trong trong thời đại hiện nay.
GS Phạm Gia Khải, thành viên Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương |
Bình luận về vấn đề này, GS Phạm Gia Khải, thành viên Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương lo lắng: Chỉ hơn một thập kỷ nữa là Việt Nam sẽ không còn là một nước có "dân số vàng" nữa.
Sự đầu tư một cách khoa học cho tương lai, khi cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư phát triển, ngay cả dân số vàng mà chúng ta cũng không còn nữa, sẽ không biết xoay xở ra sao trước thế giới?
Tuy nhiên, đại diện của ngành dân số cho rằng, khi nới lỏng chính sách sinh con, từng bước sửa đổi các quy định về mức sinh, cùng với các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội... thì động lực lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm dần.
Nếu vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không được giải quyết, Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ của Trung Quốc hiện nay. Mức sinh thấp, mất cân bằng giới tinh khi sinh có thể đưa đến những hệ luỵ lớn trong xã hội.
Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới như nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng./.