"Người như cô nên chết đi"
"Con gái gì lại ăn mặc hở hang đến vậy"
"Làm ca sĩ thần tượng mà phát ngôn, ăn mặc chẳng ra đâu, lại còn hẹn hò đàn ông hơn 14 tuổi"
"Tôi tẩy chay đến cùng, bất cứ nhãn hàng nào ký hợp đồng tôi đều tẩy chay. Đừng gọi đây là bắt nạt, đây là thanh lọc showbiz"
"Phải rời nhóm, trả lại thanh danh cho f(x). Tôi sẽ ở đây lên án cho đến khi cô ấy rời nhóm, chấm dứt sự nghiệp"
Những phát ngôn, lời miệt thị trên đều dành cho Sulli, thành viên nhóm f(x), nữ ca sĩ qua đời ở tuổi 25 vì trầm cảm, áp lực khi đối mặt với bạo lực ngôn từ, tẩy chay trên mạng xã hội.
Từ năm 2019 đến nay đã bốn năm, có trường hợp của Sulli làm dẫn chứng, nhưng hiện tại, bạo lực mạng không dừng lại. Từ chỉ trích lỗi sai đến miệt thị ngoại hình, "nặng đô" hơn là tẩy chay nhãn hàng, yêu cầu "chết đi đền tội"... quyền lực mạng dần trở thành bạo lực.
"Tôi nói với họ mình kiệt sức nhưng không ai lắng nghe"
Sau khi Sulli qua đời, dư luận Hàn Quốc, và cả Việt Nam nhận ra rằng cựu thành viên nhóm f(x) là nạn nhân điển hình của bạo lực mạng.
Sulli vốn là hình mẫu của giới giải trí Hàn, khởi nghiệp và thành danh từ sớm, nhưng sau đó trượt dốc trong chuỗi ngày rắc rối vì yêu đương mù quáng, hình ảnh nhạy cảm thả rông vòng một, tư tưởng thoáng về tình dục.
Từ hình tượng "con cưng quốc dân", Sulli dần biến thành "con ghẻ xã hội".
Dù rút lui khỏi nhóm f(x), hoạt động solo, Sulli không được chấp nhận trở lại giới giải trí. Nhiều lần lên tiếng xin lỗi, Sulli vẫn đối mặt với những lời tiêu cực như "vô học", "đồ thác loạn", "tâm lý bệnh hoạn", "lệch lạc tình dục"...
Mỗi lần livestream, Sulli liên tục bị mắng chửi. "Không ngóc đầu nổi" là câu nói đúng nghĩa dành cho Sulli, người mà khi mất đi được gọi với cái tên thương tiếc là "hoa tuyết lê lụi tàn".
Sulli nhiều lần cầu cứu bất thành.
Không ít lần, Sulli cầu cứu trên các chương trình thực tế.
"Tại sao em lại bị chửi nhiều đến vậy. Nhiều người sai nhưng họ chỉ mang thành kiến duy nhất với một mình em. Bạn bè, khán giả, phóng viên hãy thương tôi dù chỉ một chút", cô cầu cứu trong chương trình Jin Ri Market.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Sulli cho biết cô luôn che đậy sự đau lòng với gương mặt gần như không cảm xúc. Đến khi nữ ca sĩ qua đời, câu nói: "Tôi nói với họ mình kiệt sức nhưng không ai lắng nghe" được chia sẻ rầm rộ.
Nhưng đã quá muộn.
Sulli qua đời ở độ tuổi còn rất trẻ, 25. Bạn thân của cô, Goo Hara, qua đời sau đó 42 ngày, cùng lý do là bị ghét bỏ trên mạng xã hội, bình phẩm về ngoại hình và nhân cách.
"Chúng tôi chịu đựng nỗi đau không thể chia sẻ với gia đình, bạn bè. Bạn có quyền tự do ngôn luận, nhưng hãy nhìn lại bản thân trước khi bình luận độc ác, một lần thôi được không?", Goo Hara viết trước đó. Tất nhiên, không ai bảo vệ, lắng nghe.
Sau hai cái chết rúng động giới giải trí Hàn, Hiệp hội Quản lý Giải trí Hàn Quốc cũng từng ra tuyên bố hành động quyết liệt với bạo lực mạng: "Chúng tôi đưa những người bình luận ác ý ra ánh sáng, đồng thời gửi kiến nghị đến cơ quan điều tra và chính phủ để trừng phạt họ nghiêm khắc".
Bạo lực mạng ngày càng nghiêm trọng
Tại Việt Nam, vấn nạn bạo lực mạng cũng cần được nhìn nhận đúng mức. Chia sẻ với Tiền Phong về câu chuyện bạo lực mạng ngày nay, TS Khuất Thu Hồng cho biết cô thấy sự việc ngày càng bị đẩy lên nghiêm trọng.
Những người bình luận sau tỏ ra sâu sắc hơn người trước nên họ phải tìm những từ “đắt” hơn, mức độ nghiêm trọng và sát thương tăng lên. Họ không ý thức được sức nặng trong hành động của mình.
Ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp bị ném đá, bắt nạt khiến nạn nhân trầm cảm, thu mình lại, thậm chí tự tử. Nếu thiết chế văn hóa không nhanh chóng tham gia xây dựng giải pháp, chương trình nhằm giảm bớt tình trạng này thì hậu ngày càng nghiêm trọng.
“Ném đá hay bắt nạt trên mạng xã hội có thể xem là hành động giết người tập thể mà không ai cảm thấy mình có lỗi. Mỗi người góp một lời nói khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, khủng khiếp. Làm sao nạn nhân có thể thoát được”, TS Thu Hồng chia sẻ.
Theo TS Thu Hồng, mạng xã hội ngày càng được sử dụng rộng rãi và xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực giống với đời thực. Tuy nhiên, vấn nạn chỉ trích, ném đá, bắt nạt trên mạng xã hội nghiêm trọng và lan tỏa hơn.
“Đặc tính của mạng xã hội là sự lan tỏa nên chỉ cần một giây có thể xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người bình luận, ấn like, chia sẻ… khiến sự chỉ trích, bắt nạt trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng nghĩa nạn nhân có thể bị hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người bắt nạt cùng một lúc gây nên hiệu ứng kinh khủng”, TS Thu Hồng nói.
TS Thu Hồng phân tích những người ném đá thường không ý thức được việc họ góp một viên đá thế nào và nó có tính hủy diệt nạn nhân ra sao chỉ bằng những nút like, comment hay share. Mạng xã hội cho họ quyền ẩn danh, núp sau những tài khoản ảo nên họ không suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra.
Cái chết của cặp bạn thân Sulli và Goo Hara cảnh tỉnh dư luận nhìn nhận đúng mức về bạo lực mạng.
"Không đọc, không chia sẻ và không phản hồi"
TS Thu Hồng đánh giá nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bắt nạt, bạo lực, chỉ trích là thiếu sự giáo dục về cách ứng xử trên mạng xã hội.
Chúng ta có môn giáo dục công dân ở trường học để hướng dẫn cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, hàng xóm, nơi công cộng… nhưng không có giờ học nào về ứng xử trên mạng xã hội. Chúng ta không được học cũng không ai nhắc nhở, dạy sử dụng mạng xã hội thế nào cho văn minh, hiệu quả.
“Hiện tượng bắt nạt, ném đá trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều năm nay nhưng không có thiết chế hay nhà trường, tổ chức nào đặt vấn đề nghiêm túc về thực trạng này. Chính vì thế khiến vấn nạn ngày càng trở nên nghiêm trọng và lan rộng”, TS Thu Hồng nhấn mạnh.
TS Thu Hồng bày tỏ lo ngại khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực mạng. Mạng xã hội là nơi để chia sẻ cảm nhận và cần được tôn trọng ở góc độ cá nhân. Nhưng hiện nay, mạng xã hội lại là chỗ để người ta xâu xé, bình luận ác ý.
“Hệ thống giáo dục cần phải tham gia vào việc thay đổi vấn nạn này để giảm bớt hậu quả cũng như nâng cao kỹ năng ứng xử hòa bình và có tính chất xây dựng, không phải là ném đá và hủy diệt nạn nhân”, TS Thu Hồng đề xuất.
TS Thu Hồng đưa ra lời khuyên cho những nạn nhân của bạo lực mạng là nhanh chóng ra khỏi mạng xã hội, đóng tài khoản, không đọc, không chia sẻ và không phản hồi. Thay vào đó, chúng ta dành thời gian để làm việc khác để quên đi cũng như xa rời những câu chuyện đó.
Nếu tiếp tục phản ứng, giải thích chỉ nhận thêm nhiều gạch đá. Ngoài ra, cần cẩn trọng hơn trong những phát ngôn, chia sẻ để không biến mình thành “nạn nhân” bất đắc dĩ. Bên cạnh đó, người thân hay những người xung quanh cần ở bên động viên, giúp đỡ để họ vượt qua giai đoạn khó khăn như vậy.