Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi về cơ chế cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất , giúp đơn vị này thoát khỏi khó khăn.
Cụ thể, nội dung kiến nghị cho biết, BSR phản ảnh hiện nay giá bán hàng của BSR (các sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất) là giá bán bao gồm thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, mức thuế suất thuế nhập khẩu đang được áp dụng cho BSR để tính giá bán và tính thu điều tiết quy định tại mục 2, Điều 3 Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 25/11/2009 như hướng dẫn tại công văn số 2811/BTC-CST ngày 03/3/2015 thì mức thuế suất thuế nhập khẩu áp theo “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành” hiện đang cao hơn nhiều so với mức thuế ưu đãi đặc biệt để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước ASEAN, Việt Nam và Hàn Quốc.
“Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cử tri đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất (xăng, dầu DO, Jet A-1) để đảm bảo sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ các nước có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tạo điều kiện giúp BSR sản xuất, kinh doanh ổn định trong quá trình hội nhập kinh tế”, bản kiến nghị nêu chi tiết.
Phản hồi nội dung trên, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có công văn xin ý kiến các Bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi về dự thảo quyết định của Thủ tướng nhằm sửa đổi, bổ sung quyết định số 952 về cơ chế tài chính cho Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất).
Việc sửa đổi sẽ theo hướng ngân sách chỉ thu điều tiết đối với mặt hàng xăng ở mức 10% (so với mức tương đương thuế nhập khẩu 20% hiện nay).
Theo Bộ Tài chính, khi phương án sửa đổi cơ chế được Thủ tướng phê duyệt thì Lọc hoá dầu Bình Sơn được tự quyết định giá bán sản phẩm để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.
Trước đó, dù được Nhà nước cho giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng Dung Quất vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được vì giá thành cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN.
Hồi đầu năm 2016, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng như lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN từng chia sẻ, việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của nhà máy.
PVN cũng nhấn mạnh, việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn