Nhà đầu tư chiến lược cùng ngành
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho hay, mục tiêu của Công ty trong năm 2017 là tiến hành cổ phần hóa và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của BSR. Hiện giá trị doanh nghiệp của BSR chưa được phê duyệt, nên chưa có con số chính xác.
Tuy nhiên, với vốn đầu tư ban đầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được kiểm toán khi hoàn tất xây dựng là khoảng 3 tỷ USD, giá trị doanh nghiệp của BSR không hề nhỏ.
Với thực tế trong năm 2017, cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn phải tiến hành cổ phần hoá, thoái vốn theo yêu cầu của Chính phủ, thì khả năng hấp thụ những lượng vốn lớn của thị trường chứng khoán cũng được đánh giá là không dễ.
Bởi vậy, theo ông Nguyên, việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, trong quý IV/2017, Công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần, thực hiện chào bán cho cán bộ, công nhân viên và IPO. Tiếp đó, BSR sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng, kể từ khi trở thành công ty cổ phần.
“Do BSR là doanh nghiệp lớn, nên trong năm 2017, chúng tôi tính toán chỉ chào bán 5-6% vốn nhà nước tại Công ty”, ông Nguyên nói và cho biết thêm, số cổ phần mà cán bộ, công nhân viên của BSR được mua sẽ chiếm chưa đến 1% giá trị doanh nghiệp.
Việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc hóa dầu cũng được xem là quan trọng với BSR, khi doanh nghiệp này đang tiến hành Dự án Đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm.
Hiện BSR đã chào mời tới 15 quỹ đầu tư nước ngoài việc bán cổ phần của mình và cho hay “có nhiều triển vọng ấn tượng”, nhưng chỉ khi nào chốt được chính thức nhà đầu tư chiến lược, thì việc cổ phần hoá của BSR mới được xem là thành công.
Trong quá khứ, việc BSR mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và bán cổ phần của mình đã được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bày tỏ quan điểm rõ ràng từ 5-7 năm trước.
Cũng có không ít đối tác trong ngành lọc hóa dầu đến từ Hàn Quốc, Venezuela hay Nga quan tâm tìm hiểu. Song tới thời điểm này, BSR vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược cho “mối lương duyên” này.
Dĩ nhiên, với các đối tác chiến lược có kinh nghiệm trong ngành lọc hoá dầu như BSR mong đợi, các vấn đề về chính sách thuế nhập khẩu, nguồn dầu thô đầu vào, khả năng phát huy thiết bị máy móc, hay các ưu đãi từ phía Chính phủ cũng là những quan tâm hàng đầu, bởi tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh.
Nâng cấp để hợp thời
Bên cạnh mục tiêu cổ phần hoá, tìm được đối tác chiến lược như mong đợi, BSR cũng đang đối mặt với những thách thức trong việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án này được xem là có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển sau này của BSR.
Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được bổ sung 2 sản phẩm mới là xăng Mogas 97 và nhựa đường, cùng với gia tăng sản lượng của 6 mặt hàng xăng dầu và hoá dầu hiện có.
Nguồn dầu thô đầu vào cũng sẽ đa dạng hơn, với các loại dầu thô có giá trị thấp, thay vì sử dụng dầu ngọt nhẹ của Bạch Hổ và tương đương có giá cao và nguồn cung không dồi dào. Ngoài ra, phẩm cấp của các sản phẩm xăng dầu cũng sẽ đạt tiêu chuẩn tương đương Euro 4, Euro 5, thay cho mức Euro 2 hiện nay.
Theo kế hoạch, tới năm 2021-2022, Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được hoàn tất. Các quan chức của BSR cho hay, hiện Dự án đã triển khai được 25 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu Tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED).
Dự án cũng đã giải phóng mặt bằng được 99% và sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 6/2017. Hồ sơ thiết kế FEED và tổng dự toán Dự án đã được nhà thầu AFW bàn giao cho chủ đầu tư vào cuối tháng 3/2017 và đang được trình PVN, Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Cũng đã có 7 hợp đồng bản quyền công nghệ cho các phân xưởng được ký kết và đi đến bước bàn giao thiết kế cơ sở, tiến hành nghiệm thu. Việc chấm thầu gói thầu EPC cũng đã hoàn tất và đang trình kết quả để PVN xem xét.
Hiện việc thu xếp vốn vẫn chưa được chốt. Với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD, Dự án sẽ vay 70% vốn, bên cạnh 30% vốn chủ sở hữu. Ông Nguyên cho hay, BSR đang làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước như VietinBank, Vietcombank, BIDV, BNP Paribas Việt Nam, Societe Generale Việt Nam… để thu xếp nguồn vốn vay trị giá 1,269 tỷ USD.
Theo kế hoạch, 50% sẽ được trông chờ nguồn vay tín dụng xuất khẩu (ECA) và từ các tổ chức tín dụng quốc tế. 50% còn lại sẽ được vay từ các ngân hàng thương mại trong nước. “Nếu được Chính phủ bảo lãnh, Dự án sẽ vay được vốn với lãi suất ưu đãi hơn so với lãi suất vay thương mại thông thường”, ông Nguyên nhận xét.
Được biết, BSR và PVN đã kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục tiêu thụ xăng dầu mà Dung Quất sản xuất ra, dù chưa đạt tiêu chuẩn tương đương Euro 4 kể từ ngày 1/1/2018, để cung cấp cho các động cơ đang lưu hành chỉ đạt yêu cầu tương đương Euro 2.
Trường hợp xấu nhất, như ông Nguyên thừa nhận, “nếu không tiêu thụ được tại trong nước thì sẽ phải xuất khẩu”, mà điều này chắc chắn ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả của BSR.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cho hay, việc vừa tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có thể mua trên 36% vốn điều lệ, vừa tiến hành đầu tư nâng cấp, mở rộng cũng đòi hỏi BSR phải chứng minh cho các nhà đầu tư, cổ đông chiến lược thấy rõ lợi ích của mình khi quyết định xuống tiền.
“Tất nhiên là còn tuỳ thuộc vào mục tiêu của người mua, nhưng nhà đầu tư thì rất quan tâm tới các cơ chế mà Nhà máy được hưởng vì liên quan đến khả năng sinh lời”, vị này nhận xét.