Dân gian có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” để nói về 4 người giàu nhất Việt Nam thời trước. Đứng đầu danh sách An Nam tứ đại phú là ông Lê Phát Đạt - ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu. Ông đã hiến đất và tài sản của mình để xây dựng nên nhà thờ Huyện Sĩ (đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP. HCM).
Công trình này khởi công xây dựng vào năm 1902, theo thiết kế của linh mục Bouttier với lối kiến trúc Gothic được thể hiện rõ qua từng chi tiết.
Sau khi mất, thi hài của vợ chồng đại gia Sài Gòn cũng được đưa vào an táng tại nhà thờ, ngay phía sau cung thánh.
“Nhì Phương” (Đỗ Hữu Phương) cũng không thua kém gì “Nhất Sỹ” khi đã đề xướng và đầu tư tiền xây dựng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi trường Nữ sinh Áo Tím.
Ngôi trường được thành lập vào năm 1913, và có tên chính thức là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường của những thiếu nữ bản xứ).
Trải qua nhiều đợt tu sửa lớn nhỏ nhưng trường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo, mang vẻ đẹp khác biệt và là chủ để sáng tác của nhiều nhiếp ảnh gia.
Ở vị trí thứ tư, có người cho rằng không phải “tứ Định” mà là một đại gia Sài Gòn khác, đó là ông Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Ngày nay, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh khi xưa là dinh thự 99 cửa của nhà ông.
Toà nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí mái ngói, cột ốp gốm và hoạ tiết bằng gốm trên mái nhà.
Đến năm 1987, nơi đây đã trở thành một trung tâm mỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Hiện bảo tàng đang lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm mỹ thuật và mỹ nghệ dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử. Không những thế, nơi đây còn trở thành điểm check in của giới trẻ với những khung hình đẹp lung linh.
Ngoài ra, cơ ngơi của chú Hỏa còn nổi tiếng bởi giai thoại ly kỳ “Con ma nhà họ Hứa”.
Ngoài An Nam tứ đại phú, dân Sài Gòn cũng không còn lạ với cái tên Quách Đàm, một đại gia Sài Gòn từng xuất thân từ người vô gia cư. Nhờ mánh lới làm ăn, trong khoảng những năm 1920, ông đã biến ruộng hoang thành khu chợ tấp nập nhất Sài thành - chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới).
Chợ Bình Tây hiện nay có trên 2.300 quầy sạp kinh doanh với hơn 30 nhóm ngành hàng. Các mặt hàng đa dạng về chủng loại, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Hiện nay, bức tượng đúc bằng đồng của Quách Đàm được đặt trong công viên nhỏ ở giữa chợ để thuận tiện cho người dân vừa đến chợ mua bán vừa ghé ngang để thắp nén nhang tưởng nhớ ông.