Hai từ “nhịp điệu” khiến nhà nghiên cứu Chiara De Gregorio nghĩ về hai thứ.
Một, đó là giai điệu trứ danh của ca khúc We Will Rock You của nhóm nhạc Queen huyền thoại. *BỘP BỘP CHÁT, BỘP BỘP CHÁT* .
Hai, đó là loài vượn cáo Indri indri đang bên bờ tuyệt chủng sống tại quốc đảo Madagascar.
Nhóm nghiên cứu của cô De Gregorio đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu khả năng tạo nhịp điệu của bầy vượn cáo độc đáo, và mới công bố những phát hiện của mình trên tạp chí Current Biology cách đây không lâu.
Freddie Mercury của giới động vật?
“Trong hai hạng mục nhịp điệu có trên loài Indri indri, chúng tôi thấy nó giống hệt với đoạn dạo đầu của ca khúc ‘We Will Rock You’ do nhóm nhạc nổi tiếng Queen biểu diễn”, cô de Gregorio, tác giả chính của nghiên cứu nhận định. Những nhịp điệu bắt tai của We Will Rock You không chỉ giúp nhóm nhạc đình đám Queen nổi danh, mà còn đại diện cho một trong những thứ ngôn ngữ độc đáo của loài người: nhịp điệu.
Theo nghiên cứu mới, vượn cáo Indri indri là sinh vật duy nhất (cho tới thời điểm hiện tại) bắt chước chính xác nhịp điệu của bài hát đình đám. Phát hiện mới cho thấy một mối liên hệ chưa từng xuất hiện giữa người và những sinh vật sống tại quốc đảo biệt lập, đồng thời mở ra khả năng cho thấy những động vật có vú khác cũng cảm nhận được, cũng thích thú với những nhịp điệu bắt tai.
Cách nhóm nghiên cứu đạt được phát hiện mới
Dường như việc tìm tới Madagascar xa xôi, chỉ đích danh loài vượn cáo Indri indri quá lạ lùng. Nhưng khi xét tới việc chúng là một trong những loài linh trưởng ít ỏi có khả năng hát, ta lại thấy quyết định của nhóm nghiên cứu có cơ sở vững chắc
Loài vượn cáo Indri indri, cư dân thành công của quốc đảo Madagascar. Tại giây thứ 44, bạn có thể nghe "bài hát" của vượn cáo.
Những con vượn cáo không ngẫu nhiên hát, mà những giai điệu chúng cất lên có những quãng ngắt nhịp nhất định. Đây là dấu hiệu cho thấy Indri indri cảm nhận được nhịp điệu. “Thay vì định nghĩa chúng dưới dạng ‘âm nhạc’, những nhịp điệu vô điều kiện có thể được dùng để thông báo quãng thời gian, phát ra dưới dạng tín hiệu âm thanh”, cô de Gregorio nhận định.
Đơn cử như tiếng tích tắc của đồng hồ: ta không coi những nhịp đều đặn này là âm nhạc,tuy nhiên ta vẫn coi những quãng ngắt đều đặn, nhịp nhàng về mặt thời gian bài hát We Will Rock You là nhạc.
“Bởi lẽ những bài hát của chi linh trưởng indri được cấu thành bởi những nốt nhạc được chia thành quãng, chúng là dấu hiệu giúp ta tìm hiểu xem liệu động vật có thể hiểu nhịp điệu vô điều kiện giống như cách ta nghe nhạc”, cô de Gregorio nói.
Các nhà khoa học ghi âm các bài hát của loài Indri indri để làm bằng chứng hậu thuẫn nghiên cứu mới, đồng thời đo đạc những khoảng nghỉ giữa các nốt nhạc bằng tỷ lệ toán học. “Chúng tôi tính toán tỷ lệ ngắt quãng giữa hai nốt bằng cách chia từng quãng nghỉ và tính thêm cả độ dài của nốt tiếp theo”, tác giả nghiên cứu nhận định.
Những nốt nhạc có khoảng nghỉ bằng nhau sẽ mang tỷ lệ 1:1, tương tự với cách ngắt nhịp của tiếng tích tắc trên đồng hồ kim. Nhưng nếu một khoảng các nghỉ ngắn bằng một nửa nhau, với tỷ lệ 1:2, ta sẽ có một giai điệu không đồng nhất, không đơn điệu.
Loài vượn cáo Indri indri.
Báo cáo khoa học khẳng định những tỷ lệ 1:2 cho thấy “khía cạnh hiếm thấy của âm nhạc có nguồn gốc con người trên những loài động vật khác”. Việc phát hiện ra các tỷ lệ độc đáo này trong các khúc hát của loài vượn cáo sẽ có ảnh hưởng lớn tới hiểu biết của ta.
Trong số các khúc hát của vượn cáo, nhóm nghiên cứu phát hiện ra hai đoạn nhạc khớp hoàn toàn với nhịp nhạc của bài We Will Rock You. Điều này cho thấy “những bài hát của chi linh trưởng indri còn đặc biệt hơn dự kiến”, cô de Gregorio cho hay.
Lý do khiến nghiên cứu đặc biệt
Văn hóa và ngôn ngữ loài người khác biệt đến mấy, chúng ta đều sử dụng chung một ngôn ngữ nhịp điệu. Một đoạn nhạc hay có thể khiến những nhóm người thuộc mọi tín ngưỡng, nền văn hóa, hay sắc tộc gật gù theo giai điệu. Thậm chí chúng ta còn có thể vô thức tự dùng công cụ tay để bắt chước những nhịp nhạc đang nghe trong thời gian thực.
Chúng ta có năng khiếu nhận ra nhịp điệu, làm tiền đề cho việc phát minh ra nhạc.
Hình ảnh có thể phát ra âm thanh, cụ thể là đoạn dạo đầu của "We Will Rock You".
“Nhịp điệu vô điều kiện xuất hiện trong âm nhạc của nhiều nền văn hóa khác nhau, vậy nên chúng là quy chuẩn chung của nhạc”, nhà nghiên cứu de Gregorio cho hay.
Cho tới giờ, ta vẫn nghĩ mình là loài động vật duy nhất có khả năng tạo ra nhịp điệu vô điều kiện để kết nối thành giai điệu nhạc. Nhưng với phát hiện mới, các nhà nghiên cứu đã một bước gần hơn với nguồn gốc của âm nhạc và lịch sử hình thành nhịp điệu. Theo lời cô de Gregorio, đây là bằng chứng cho thấy năng khiếu nhạc rất có thể đã là một phần di sản của loài linh trưởng.
Nghiên cứu đồng thời nêu cao vai vế của Indri indri, loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Các nỗ lực bảo tồn loài động vật độc đáo cũng sẽ nhờ thế mà cương quyết hơn. Có thể so sánh phát hiện này với cuộc vận động cứu cá voi của thập niên 70, khi các nhà nghiên cứu sử dụng khả năng âm nhạc của cá voi để nâng tầm hiểu biết của số đông.
“Chúng tôi mong phát hiện thú vị này có thể khiến chúng ta để tâm hơn tới tình hình nghiêm trọng mà loài vượn cáo đang đối mặt”, cô de Gregorio kết luận.