Ăn xong loại quả này sẽ thấy vị ngọt thanh vẫn còn đọng lại trong khoang miệng.
Những ngày thu đến, nhiều người bắt đầu nhớ vị chua chua, ngọt ngọt và hơi đắng chát vô cùng đặc trưng của những quả mác kham. Mác kham (hay còn được gọi là mắc kham, me rừng) là loại cây mọc hoang dại trong các vùng rừng núi phía Bắc nước ta.
Loại cây này cho quả có vị chua, đắng, chát nhưng để lại hậu vị ngọt trong cổ họng. Trước đây mác kham mọc rơi rụng đầy rừng, nhưng giờ đây nó lại là loại quả ăn vặt được nhiều người yêu thích, đặc biệt là phái nữ.
Loại cây này thường mọc ở những khu vực đồi núi thưa, có nhiều ánh sáng. Lá mác kham nhỏ, hai hàng xếp sát nhau thành 2 dãy, tương tự như lá me. Mác kham ra hoa vào tháng 4 - 5 hằng năm. Hoa mác kham nhỏ, có màu vàng mọc thành tán ở nách lá. Quả mác kham có hình tròn, nhỏ bằng ngón tay, khi còn non có màu xanh, khi chín quả ngả vàng, vỏ nhẵn và cứng, có khía mờ tạo thành 6 múi, thường chín vào mùa thu hằng năm.
Quả mác kham khi ăn tươi sẽ thấy có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát và hơi đắng. Thế nhưng điều độc đáo và kỳ lạ là sau khi nuốt xong, nơi đầu lưỡi và khoang họng vẫn đọng lại vị ngọt thanh. Sau khi ăn xong mà uống nước thì thấy nước lọc cũng ngọt lạ lùng. Cũng bởi vị quả lạ như vậy nên người dân ở một số nơi vẫn truyền tai nhau câu chuyện về loại quả này.
Khi xưa có một người đi bán nước mắm. Trời nóng bức, anh vừa mệt, vừa khát nên dừng nghỉ bên bờ suối nhỏ. Thấy gần đó có cây quả sai trĩu cành, anh liền hái ăn thử, nhưng ăn vào chỉ thấy vừa chua, vừa đắng, chát. Thế là anh vội uống một ngụm nước suối. Anh thấy nước ngọt lạ thường.
Một suy nghĩ lóe sáng trong đầu anh, anh đổ hết nước mắm đi và lấy chum đựng nước suối đem đi bán, với hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng khi đến chợ phiên, anh mang nước ra thử lại, giật mình thấy vị nước không còn đặc biệt nữa. Anh liền hỏi người dân địa phương và mới biết, lúc đó uống nước suối thấy ngọt vì anh đã ăn loại quả rừng tên là mác kham.
Mác kham ăn tươi rất thú vị, chị em thường chấm loại quả này với muối ớt hoặc muối tôm. Ngoài ra mác kham cũng có thể đem chế biến thành nhiều món rất hấp dẫn như trộn muối ớt, ướp đường, ngâm rượu, làm nước ép,… Trong đó có món mác kham ngâm dấm là được yêu thích nhất, cũng bởi món này là sự kết hợp hài hòa giữa 4 vị chua, chát, mặn, ngọt, khi ăn lại giòn tan rất thích thú.
Làm mắc kham ướp không khó, chỉ cần mua quả về rửa sạch, để ráo nước rồi đập dập cho quả dễ ngấm gia vị. Tiếp đến, cắt nhỏ ớt tươi, rau mùi tàu rồi pha với muối, đường, dấm sao cho vừa miệng rồi đổ hỗn hợp này vào bình có chứa quả mắc kham đã đập dập. Ướp xong, để khoảng hai ngày là ngấu ngon và đem ra ăn được.
Bạn có thể đặt mua loại quả này với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg quả tươi. Nếu mua mác kham ngâm sẵn có giá trung bình 100.000 đồng/hộp.
Không chỉ ăn ngon, mác kham còn rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là với người hay bị đau bụng kinh, người bị đái tháo đường, tốt cho mắt, cho tim, hỗ trợ điều trị các bệnh rối loạn gan, khó tiêu, thiếu máu, hô hấp khó khăn, chống lão hóa da,...
Trong y học, mác kham có một số công dụng như: giảm thoái hóa điểm vàng ở mắt, ngừa bệnh quáng gà do mác kham có chứa vitamin A và carotene; hàm lượng chất xơ cao trong mác kham giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa; giảm sự tích tụ cholesterol dư thừa, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch,…
Bên cạnh đó, người ta còn dùng mác kham để chăm sóc tóc (bằng cách giã nhuyễn quả rồi massage lên da đầu giúp tóc mọc nhanh, tăng cường độ chắc của chân tóc, duy trì màu và cải thiện độ bóng của tóc).