Giá đường tăng do nhu cầu cao, kết hợp với triển vọng thời tiết xấu. Các nhà phân tích cho rằng giá đường vẫn còn khả năng tăng cao hơn nữa.
Giá đường thô kỳ hạn gần đây tăng lên 24 cent/pound, cao nhất trong 11 năm qua. “Các yếu tố cơ bản về đường khá lạc quan vì giá sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn và trung hạn”, Girish Chhimwal, nhà phân tích về đường tại S&P nói.
Diễn biến giá đường trong 3 tháng qua.
Chi phí nguyên liệu tăng cao có thể đẩy phần thiệt thòi cho người tiêu dùng khi giá của các loại bánh, kẹo sẽ đắt tiền hơn. “Giá bánh kẹo, đồ uống có đường sẽ tăng theo giá đường”, John Stansfield, nhà phân tích cấp cao về đường tại nền tảng dữ liệu hàng hóa DNEXT cho biết. Giá thực phẩm chế biến cũng đang tăng trên toàn cầu, Stansfield cho biết thêm.
“Trong một thanh sô cô la, bạn có sữa, bột ca cao vv.. và những chi phí này cũng tăng lên. Chi phí năng lượng và lao động để sản xuất các sản phẩm này cũng đang tăng lên”, ông nói.
Mối quan ngại về sản xuất
“Trong những tuần gần đây, mùa ép mía ở châu Á đã chuẩn bị kết thúc và chúng ta chứng kiến sự điều chỉnh giảm sản lượng lớn ở các nước sản xuất chính, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan”, Stansfield cho hay.
Sản xuất đường tại Ấn Độ.
Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới sau Brazil.
Hồi đầu tháng 4, Hiệp hội Thương mại Đường Ấn Độ đã cắt giảm ước tính sản lượng đường gần 3% cho niên vụ kéo dài từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, dẫn lý do là mưa trái mùa ở Maharashtra, nơi chiếm hơn 1/3 sản lượng đường của cả nước.
Bên cạnh đó, mùa vụ củ cải đường ở châu Âu cũng không thuận lợi do diện tích giảm và hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè năm ngoái, cùng với đó là nhu cầu tiếp tục phục hồi sau thời kỳ Covid. Khoảng 80% sản lượng đường toàn cầu đến từ mía, theo Tổ chức Đường Quốc tế, trong khi 20% có nguồn gốc từ củ cải đường.
Thời tiết khắc nghiệt có thể đẩy giá đường tiếp tục tăng
Chhimwal của S&P dự báo giá đường sẽ có xu hướng duy trì ở mức cao khoảng 21-24 cent-pound. Mặc dù Trung Quốc có thể giảm dự trữ để giảm áp lực trên thị trường toàn cầu, Chhimwal cảnh báo rằng có nhiều yếu tố khác có thể đẩy giá lên cao hơn.
“Hiện tượng El Nino có thể là rủi ro lớn đối với triển vọng sản xuất ở châu Á, đẩy giá lên cao trong trung hạn”. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, có 62% khả năng hiện tượng El Nino sẽ xảy ra trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 6. Tùy thuộc vào lượng mưa gió mùa của châu Á, thị trường đường có thể trở nên “rất biến động” do tác động của thời tiết, ông nói thêm.
Mưa tại Brazil – nhà sản xuất đường số 1 thế giới – cũng đang làm chậm thời điểm bắt đầu thu hoạch vào tháng 4.
Lũ lụt do mưa lớn tại Rio Branco, Brazil hôm 30/3/2023.
Nhà phân tích hàng hóa Matthew Biggin của Fitch Solutions cho biết vụ thu hoạch mía ở khu vực trung nam Brazil – chiếm 90% sản lượng của cả nước – diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12 và sản lượng tại khu vực này sẽ là thước đo quan trọng để theo dõi giá đường.
“Giá đường hiện cao đến mức ngay cả khi vụ thu hoạch của Brazil được tung ra thị trường – đồng nghĩa giá giảm đáng kể, giá vẫn cao hơn mức lịch sử trước đó”, ông nói.
Một yếu tố khác đẩy giá cao hơn là quyết định bất ngờ gần đây của OPEC cắt giảm khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Fitch Solutions viết trong một báo cáo hôm 13/4 rằng điều này đã khuyến khích việc chuyển hướng sử dụng mía để sản xuất ethanol, khiến nguồn cung sản xuất đường giảm đi.
“Thuốc đắng” cho một số quốc gia
Chhimwal của S&P cho hay, cùng với giá lương thực cao hơn, các quốc gia đang phải vật lộn với an ninh lượng thực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá đường tăng đột biến.
Theo ông này, các quốc gia Bắc Phi và châu Phi cận Sahara sẽ bị ảnh hưởng “đặc biệt nặng nề”. Đây là những quốc gia có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu đường cao.
“Người dùng cũng đã bắt đầu nhận thấy tác động của việc giá đường tăng cao”, Stansfield của DNEXT cho hay.
Nguồn: CNBC