Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp theo chân các kiểm lâm viên của Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk) lên thăm quần thể cây hồng trà trên đỉnh Yók Đôn. Sau nhiều giờ băng rừng, chúng tôi đã đặt chân đến đỉnh núi, có độ cao hơn 480m so với mặt nước biển, nơi phần lớn ngày trong năm sương mù bao phủ.
Loài đặc hữu của thế giới
Nói quần thể nhưng loài hồng trà ở đây phân bố rải rác trên diện tích rộng nên chỉ lâu lâu chúng tôi mới bắt gặp một nhóm 2-3 cây sống dưới tán rừng xanh. May mắn cho chúng tôi là lên rừng đúng vào dịp hồng trà Yók Đôn nở hoa.
Tuy nhiên, hoa hồng trà Yók Đôn cũng khan hiếm như cái loài đặc hữu này, mỗi cây chỉ vài ba hoa. Hồng trà Yók Đôn là loại cây bụi, cao khoảng 3m, đường kính chỉ khoảng 3 đến 4cm, lá hình bầu dục, nhọn 2 đầu, cánh hoa màu hồng, nhị hoa màu vàng tươi, quả màu xám trắng.
Từng làn gió đưa mùi hương thoang thoảng từ 2 hoa hồng trà mới nở khiến cơ thể tôi cảm thấy sảng khoái sau cả một hành trình dài mệt mỏi.
Hồng trà Yók Đôn loài đặc hữu trên thế giới
Anh Mai Văn Hòa, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (VQG Yók Đôn), cho biết năm 2005, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã có chuyến khảo sát và lấy mẫu cây hồng trà tại đây về nghiên cứu.
Sau 2 năm xét nghiệm ADN và kiểm tra, đối chiếu với các loại hồng trà trên thế giới, các chuyên gia Nhật Bản kết luận đây là loài cây đặc hữu, lần đầu tiên trên thế giới phát hiện tại VQG Yók Đôn. Cũng từ đó, loài hồng trà này đã được đặt tên khoa học là Camellia Yokdonensis (hồng trà Yók Đôn).
Cũng theo ông Hòa, sở dĩ loài hồng trà Yók Đôn được phát hiện muộn do chúng chủ yếu sống trên núi Yók Đôn, nơi rất ít người tới, các loài động thực vật ở đây gần như nguyên vẹn. Đặc trưng chung của hồng trà không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà cả giá trị dinh dưỡng, cây dược liệu giúp bồi bổ sức khỏe, tiêu hóa tốt, điều trị bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay hồng trà Yók Đôn vẫn chưa được nghiên cứu một cách toàn diện để xác định các hoạt tính, giá trị y học, khoa học để có kế hoạch bảo tồn, nhân giống loài cây đặc hữu này.
Phát hiện loài Già đẫy Java
Vào cuối năm 2019, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê đã phát hiện 2 cá thể chim bị kiệt sức đang nằm trên đường trong khu vực rừng VQG Yók Đôn.
Ngay sau đó, tổ tuần tra đã bàn giao cho VQG Yok Đôn chăm sóc, nghiên cứu. Hai cá thể chim này được xác định là Già đẫy Java, tên khoa học Leptoptilos Javanicus, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, là nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Hai cá thể Già đẫy Java quý hiếm đang được chăm sóc tại VQG Yók Đôn
Chị Lê Thị Thảo, người trực tiếp chăm sóc các loài động vật trong VQG Yók Đôn, cho biết sáng sớm hàng ngày, chị phải ra chợ mua khoảng 2 kg cá loại nhỏ về chia làm 2 bữa cho 2 chú Già đẫy Java ăn. Loài này rất thông minh, chúng thích ăn cá còn sống và ăn mỗi ngày 2 lần, cho thêm cũng không ăn nữa.
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó giám đốc phụ trách VQG Yók Đôn, cho biết thời điểm cứu hộ 2 cá thể Già đẫy Java có tuổi đời chưa đầy 1 tháng, mới ra lông tơ, 1 con nặng 2,6kg, 1 con nặng 1,8kg.
Sau hơn 1 tháng chăm sóc, đến nay 2 cá thể này 1 con đã 4,5kg, 1 con 4,2kg và đang phát triển tốt. "Mới khoảng 2 tháng tuổi nhưng mỗi ngày 2 cá thể Già đẫy Java đã ăn hết 2kg cá, trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp nên cũng rất khó khăn" - ông Linh cho biết thêm.
Già đẫy Java tại VQG Yók Đôn
Phát hiện thêm hàng trăm loài thực vật
VQG Yók Đôn có diện tích 115.540 ha, chưa kể diện tích vùng đệm. Nơi đây có 89 loài động vật có vú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, là nơi trú ngụ của một số loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như: bò xám, mang lớn, nai cà tông, bò banteng, voi châu Á, hổ, sói đỏ.
Năm 2018, một đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ công bố vườn có 858 loài thực vật. Tuy nhiên, trong năm 2019, các cán bộ khoa học của vườn đã phát hiên thêm 150 loài, nâng tổng số lên 1.008 loài thực vật với hàng trăm loài quý hiếm.