Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 160,58 nghìn tấn, trị giá 528,53 triệu USD, giảm 19,7% về lượng, nhưng tăng tới 21,5% về trị giá so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt xấp xỉ 398,82 nghìn tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 16,4% về lượng và tăng 68,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.291 USD/tấn, tăng 7,9% so với tháng 1/2024 và tăng 51,4% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.146 USD/tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, giá cà phê trong nước tăng phi mã từ đầu năm và lập đỉnh lịch sử 30 năm, đạt hơn 90.000 đồng/kg, mức giá trong mơ đối với nhiều người nông dân.
Tháng 2/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường truyền thống giảm so với tháng 2/2023. Tính từ đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của nước ta sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng so với cùng kỳ năm 2023, ngoại trừ Bỉ.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê của nước ta sang thị trường Indonesia ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên đến 3 con số trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, Việt Nam xuất sang xứ vạn đảo 7.624 tấn cà phê trong tháng 2/2024, tương đương gần 27 triệu USD, tăng 117% về lượng và tăng 163% về trị giá so với tháng 2/2023.
Kể từ đầu năm, thị trường này chi ra 71,4 triệu USD để nhập khẩu 21.319 tấn cà phê từ Việt Nam, tăng mạnh 215,6% về lượng và tăng 235,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sang Indonesia đạt 3.348 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Indonesia chiếm tỷ trọng 5,3% về lượng, 5,7% về kim ngạch và đứng thứ 6 trong top 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê Robusta thế giới tiếp tục tăng trong tháng 2 và duy trì ở mức cao nhất trong 30 năm. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu cũng thiết lập cột mốc kỷ lục mới.
Hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ và diễn biến xung đột biển Đỏ khiến giá cà phê thêm tăng nóng.
Báo cáo của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tăng tới 47,1% trong tháng 1 lên gần 5,1 triệu bao.
Chủ yếu là do xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng 66% lên hơn 4 triệu bao. Đây là khối lượng xuất khẩu hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận, vượt qua kỷ lục cũ là 3,6 triệu bao đạt được vào tháng 3/2022.
Với sự khởi đầu ấn tượng, các chuyên gia và nhà quản lý đang kỳ vọng xuất khẩu cà phê năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục 5 tỷ USD.
Năm 2024, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo lượng cà phê tiêu thụ nội địa có xu hướng tăng lên. Theo đó, thị trường cà phê tiêu thụ nội địa dự kiến đạt khoảng 150.000 tấn cà phê rang xay, chế biến.
Tổng lượng cà phê nhân tiêu thụ nội địa có thể tăng lên 350.000 - 400.000 tấn/năm. Sản lượng cà phê hòa tan ước đạt 100.000 tấn, tương đương 230.000 tấn cà phê nhân và dự kiến sẽ tăng do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng nhà máy sản xuất.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023. Dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Dự kiến xuất khẩu cà phê có thể vượt 4,6 - 5,0 tỷ USD.