Video: Những hòn đá phát sáng dưới tia cực tím. Nguồn: Erik Rintamaki.
Năm 2017, nhà buôn bán đá quý và khoáng sản Erik Rintamaki có một khám phá kỳ lạ khi đang đi trên bờ của hồ Superior (còn gọi là hồ Thượng, thuộc Ngũ Đại Hồ - Bắc Mỹ, lớn thứ ba thế giới). Rintamaki vấp phải một số hòn đá dường như phát sáng, đặc biệt phát ra ánh sáng mạnh khi tiếp xúc với tia cực tím. Rintamaki gọi chúng là "yooperlites".
Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Michigan (Mỹ) và Đại học Saskatchewan (Canada) đã kiểm tra và phân tích những hòn đá để tìm hiểu thành phần cấu tạo và nguồn gốc hình thành của chúng. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Mineral News vào tháng 5/2018 cho thấy, những hòn đá phát sáng đơn giản chỉ là đá syenite chứa khoáng vật sodalite.
Syenite – một loại đá magma xâm nhập – hình thành từ sự làm mát chậm của magma ở sâu bên dưới bề mặt Trái Đất. Tinh thể đá syenite có kích thước bằng một vài mm, đôi khi là vài cm. Loại đá này thuộc cùng một họ với đá granit, nhưng sẫm màu hơn do có hàm lượng khoáng vật pyroxen và amphibole cao hơn.
Điều làm cho đá yooperlites trở nên đặc biệt là sự có mặt của sodalite, một khoáng vật có khả năng phát ra ánh sáng huỳnh quang.
Nếu nhìn bằng mắt thường, đá yooperlites – thành phần chính bao gồm oxy, silic, clo, natri và nhôm – có màu xanh xám với những vệt trắng. Vẻ bề ngoài đặc biệt khiến chúng được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật khảm.
Khi đặt các hòn đá yooperlites dưới tia cực tím có bước sóng dài 365 nm, khoáng vật sodalite phát sáng, để lộ những đường vân màu vàng và da cam rực rỡ.