Trong quá trình nghiên cứu và khảo sát đa dạng sinh học tại dãy núi đá vôi Razorback (lèn Con Rồng) và Rockpile (núi Một) thuộc hai huyện Đakrông và Cam Lộ (Quảng Trị), các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả một loài thực vật mới thuộc họ sơ ri (Malpighiaceae).
Loài thực vật mới có tên khoa học Chlorohiptage vietnamensis T.V.Do, T.A.Le & R.F.Almeida.
Theo Tuổi Trẻ Online, loài Chlorohiptage vietnamensis được phân tích cấu trúc hoa, kiểm tra về phân tử. Từ những kết quả so sánh, các nhà khoa học đi đến kết luận đây là một loài mới thuộc chi thực vật hoàn toàn mới cho thế giới, với tên gọi xuất phát từ màu hoa xanh và tương đồng hình thái cao với chi Hiptage.
Chi Chlorohiptage khác biệt với các mẫu vật khác từ Hiptage bởi một số đặc điểm như: cánh hoa có màu xanh nhạt đến xanh vàng (so với màu trắng đến vàng), nhị hoa 9 dài + 1 ngắn (so với 9 ngắn + 1 dài)…
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một loài mới khác trong cùng khu vực là Glycosmis quangtriensis T.A.Le & Tagane thuộc họ Cam quýt (Rutaceae).
Loài Glycosmis quangtriensis T.A.Le & Tagane được thu thập lần đầu tiên vào năm 2022. Sau hơn một năm thu thập đầy đủ hoa và quả, kiểm tra các mẫu vật được lưu giữ tại các bảo tàng, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận là loài mới cho khoa học.
Loài được đặt tên theo tỉnh Quảng Trị, địa phương duy nhất đến hiện nay ghi nhận phân bố loài này. Loài cây bụi cao khoảng 1,5m, hơi sà, lá đơn, không cuống, phiến lá có hình elip thuôn dài, mép lá lượn sóng, gốc lá hình tim.
Cụm hoa xuất hiện đầu ngọn cành, với cuống và đài nhiều lông màu hung, cuống rất ngắn và sát. Hoa lưỡng tính, màu trắng, với sự xuất hiện các tuyến tinh dầu trên cánh tràng hoa. Quả dạng hình cầu, màu xanh lúc non, chín màu hồng nhạt, với lớp lông tơ mịn bao phủ.
Cả hai loài mới trên được đánh giá cực kỳ nguy cấp (CR) theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN 2012, 2022). Do vậy, các nhà nghiên cứu đã và đang hợp tác nghiên cứu nhân giống bảo tồn và nghiên cứu cấu trúc hoạt chất và hoạt tính sinh học của hai loài này.
Trước đó, vào năm 2023, một loài thực vật đặc hữu quý hiếm cũng được phát hiện ở Việt Nam đó là tỏi rừng Phong Điền.
Trao đổi với Thanh Niên , ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, nhóm nghiên cứu của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện và công bố thêm loài thực vật mới có tên tỏi rừng Phong Điền.
Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa 591 (1): 064–070,2023 (https://doi.org/10.11646/phytotaxa.591.1.6), mẫu chuẩn lưu ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN).
Theo ông Tuấn, trong chương trình điều tra đa dạng sinh học và bảo tồn tài nguyên thực vật tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, quá trình đi đặt máy bẫy ảnh đợt 2 năm 2022 tại tiểu khu 71 Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, các cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị này bắt gặp loài tỏi có hoa rất đẹp đang mọc ở vách đá trên đỉnh Thác 7 Nàng Tiên.
Sau khi thu thập mẫu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng các cộng sự từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Y Dược Huế và Đại học Lomonosov (Nga) đã xác định đây là loài mới.
Loài này được mô tả là loài thực vật mới tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, thuộc chi tỏi rừng (Aspidistra Ker Gawler) thuộc họ măng tây (Asparagaceae).
Theo mô tả của các nhà khoa học, tỏi rừng Phong Điền (Aspidistra phongdiensis) có hình thái tương tự như tỏi đá khang (A.khangii) nhưng khác ở phiến lá rộng hơn, mặt ngoài bao hoa màu trắng, phấn hoa màu vàng, bao phấn và nhụy hoa khác biệt. Với cấu trúc bao hoa đặc biệt này, loài tỏi rừng mới được mô tả và đặt tên theo Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, nơi duy nhất phát hiện sự hiện diện của loài này cho đến nay.