Loài cây biệt tích trăm năm bỗng tái xuất thần kỳ ở Việt Nam: Vừa công bố thông tin đã gây tranh cãi

Nguyệt Phạm |

Thời điểm tìm thấy chỉ còn không quá 100 cây này tại một khu vực hẻo lánh?

Nội dung chính

  • Loài cây ở tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cao
  • Cây nắp ấm Thorel có thực sự biến mất trăm năm?

Sự kiện khiến giới thực vật học xôn xao

Vào năm 2012, giới thực vật học và cư dân mạng trong nước xôn xao trước sự kiện loài cây từng biến mất ở Việt Nam 100 năm bỗng tái xuất thần kỳ. Theo báo Vnexpress, tháng 6/2012, tiến sĩ Lưu Hồng Trường thông tin về việc phát hiện cây nắp ấm Thorelvườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh. Tiến sĩ Lưu Hồng Trường là một trong những thành viên nhóm nghiên cứu tham gia chuyến khảo sát giữa viện Sinh học Nhiệt đới và các nhà nghiên cứu đến từ Pháp và Anh.

Loài cây biệt tích trăm năm bỗng tái xuất thần kỳ ở Việt Nam: Vừa công bố thông tin đã gây tranh cãi - Ảnh 1.

Chuyên gia và nhân viên kiểm lâm tại Lò Gò - Xa Mát tìm thấy những cây nắp ấm Thorel. (Ảnh: Alastair Robinson)

Báo An ninh Thủ đô cho hay, cây nắp ấm Thorel còn được biết đến với tên khoa học Nepenthes thorelii Lecomte. Loài cây này ghi nhận lần đầu tiên vào thời điểm những năm 1861 – 1869 tại xã Thị Tĩnh, huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương. Sau đó khoảng 50 năm được nhà thực vật học nổi tiếng Paul Henri Lecomte mô tả (năm 1909). Lecomte đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài. Các mẫu vật này hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris và các bộ thảo tập ở Vườn thực vật Bogor and Vườn thực vật New York.

Cây nắp ấm là loài cây ăn thịt với cách thức săn mồi đặc biệt. Một số lá của chúng tạo thành hình ấm để bắt côn trùng. Bên trong lá hình ấm có lông răng. Đó là vòng tròn chứa các gai nhỏ hướng xuống dưới và bao quanh lối vào ấm. Ở phía trên ấm có một nắp để ngăn chặn nước mưa (nếu nước mưa vào quá nhiều thì các enzyme tiêu hóa sẽ bị hòa tan hết). Nắp có vô số tế bào trong và mờ nên côn trùng dễ lầm tưởng đó là một mảng của bầu trời.

Khi con mồi rơi vào lá, nắp sẽ nhanh chóng úp xuống để nó không thể thoát ra. Sau đó con mồi sẽ trượt xuống phần cuống lá, nơi enzyme tiêu hóa đang chờ sẵn.

Loài cây biệt tích trăm năm bỗng tái xuất thần kỳ ở Việt Nam: Vừa công bố thông tin đã gây tranh cãi - Ảnh 2.

Địa điểm tìm thấy cây nắp ấm Thorel. (Ảnh: Lưu Hồng Trường)

Nắp ấm Thorel có bộ phận "ấm" hay "bình" (được tạo ra từ lá) gần đất có dạng bầu tròn, so với các loài tương tự ở nước ta (khá phổ biến trong tự nhiên và được trồng rộng rãi) thì bình của nắp ấm Thorel tròn hơn rất nhiều. Ở các loài tương tự, dạng ấm tròn đôi khi xuất hiện ở một vài cá thể riêng biệt nhưng đặc tính này rất ổn định ở loài nắp ấm Thorel.

Cũng theo An ninh Thủ đô, tại Việt Nam các loài thực vật "săn mồi" chưa được thống kê đấy đủ, có 2 họ mà nhiều người biết đến nhất là họ bắt ruồi Droseraceae (3 loài) và họ nắp ấm Nepenthaceae (3 loài. Cây nắp ấm Thorel được tìm thấy lại ở Việt Nam sau hơn 100 năm vắng bóng. Thời điểm tìm thấy chỉ còn không quá 100 cây này tại một khu vực hẻo lánh ở biên giới Việt Nam - Campuchia.

Với số lượng cá thể được tìm thấy ít hơn 100, nắp ấm Thorel đang ở tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cao. Theo tiêu chuẩn Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về xếp loại tình trạng bị đe dọa của các loài, nắp ấm Thorel nên được xếp ở tình trạng cực kỳ nguy cấp.

Tranh cãi xung quanh việc tìm thấy cây nắm ấm Thorel sau 100 năm biến mất

Thông tin từ một bài đăng của Tiến sĩ Lưu Hồng Trường trên trang web của Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, nắp ấm Thorel là một loài thực vật từng được xem là đặc hữu của khu vực Đông Dương (chỉ có ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Trong tự nhiên, nắp ấm Thorel trông rất giống và dễ bị nhầm lẫn với các loài tương tự. Ngay chính Lecomte cũng nhầm lẫn khi sử dụng các mẫu vật thuộc ba loài khác nhau để mô tả N. thorelii. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các cây cảnh được gắn tên "Nepenthes thorelii" được dân chơi cây cảnh trồng trên thế giới thật ra là các cá thể của các loài tương tự (bao gồm N. smilesii, N. kampotiana và N. bokorensis) và các dạng lai giữa các loài này, đồng thời cho thấy nắp ấm Thorel là loài đặc hữu của Việt Nam (chỉ có ở Việt Nam).

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Tiến Sĩ Đỗ Tất Lợi (2005) và các tài liệu khác, trong y học cổ truyền phương Đông, các loài cây nắm ấm có vị ngọt, nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm và được sử dụng để chữa trị một số bệnh như viêm gan, viêm loét dạ dày, tá tràng, sỏi niệu quản, cao huyết áp, cảm mạo, ho gà, ho do cảm mạo, phù thủng toàn thân. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cây thuốc (Planta Medica) năm 1998 đã chứng minh loài Nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét.

Trong một bài đăng trên Tuổi trẻ, TS Dương Đức Huyến, trưởng phòng thực vật thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam) trả lời phỏng vấn của báo này cho hay: "Việc một, hai chuyên gia gặp may khi đến đúng chỗ một loài thực vật đang mọc nhưng lại chưa đi khảo sát ở rất nhiều nơi khác, hay nói rộng ra là trên cả nước, để rồi nói rằng cây nắp ấm Thorel "xuất hiện lại" là chưa có cơ sở khoa học thuyết phục. Chỉ có thể nói là gặp lại cây nắp ấm Thorel".

Loài cây biệt tích trăm năm bỗng tái xuất thần kỳ ở Việt Nam: Vừa công bố thông tin đã gây tranh cãi - Ảnh 3.

So sánh cây nắp ấm Thorel (A) và hoa cây nắp ấm hiện đang được trồng làm cảnh ở nhiều nơi (B). (Ảnh: Lưu Hồng Trường)

Và phòng lưu trữ mẫu thực vật thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật hiện còn lưu ba mẫu nắp ấm Thorel. Trong đó, có hai mẫu mang các số hiệu VH2620 và VH3533, do GS.TSKH Leonid Vladimirovich Averyanov, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), tìm thấy ở Lâm Đồng (tháng 3-1997) và ở Ninh Thuận (tháng 4-1997). Mẫu thứ ba, mang số hiệu CB-VN 173 (MO), do TS Nguyễn Văn Dư (VN) và Rattana (Campuchia) thu được tại Kampot, Campuchia (tháng 11-2007).

Hay bài phản ánh của Vnexpress cho biết, sau khi công bố, nhiều độc giả và giới khoa học đã lên tiếng về việc cây nắp ấm Thorel được tìm thấy nhiều nơi trên cả nước và thông tin cây nắp ấm tái xuất hiện ở Xa Mát và không có trong tự nhiên là không chính xác.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường cũng đã có phần trả lời những phản ánh này trên Vnexpress rằng, ở núi Takóu, Bình Thuận và nhiều nơi khác ở Việt Nam có đến 2 loài nắp ấm Nepenthes mirablis và N. smilesii. Nếu không quan sát kỹ người ta cũng thấy chúng giống loài nắp ấm Thorel.

Ngoài ra, nhóm của tiến sĩ Lưu Hồng Trường đã khảo sát các địa danh khác nhau trong và ngoài nước - nơi nắp ấm phân bố - và cũng đã so sánh các mẫu vật ở các bộ thảo tập ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, kể cả ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật ở Hà Nội và Viện Sinh học nhiệt đới ở thành phố HCM.

Về thông tin các mẫu vật thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đang lưu ba mẫu nắp ấm Thorel, tiến sĩ Trường đã xem xét và xác định đó không phải là nắp ấm Thorel, mà thuộc về các loài N. mirabilis hoặc N. smilesii.

Loài cây biệt tích trăm năm bỗng tái xuất thần kỳ ở Việt Nam: Vừa công bố thông tin đã gây tranh cãi - Ảnh 4.

Cây nắp ấm Thorel còn được biết đến với tên khoa học Nepenthes thorelii Lecomte. (Ảnh: Alastair Robinson)

Các mẫu vật có tên nắp ấm Thorel trong Bảo tàng Paris được thu từ Hà Tiên và Đà Lạt cũng được nhóm nghiên cứu kiểm tra và xác nhận là loài N. smilesii – một loài phổ biến ở Đông Dương và thường thấy ở các trảng cây bụi cũng như rừng thông ở các cao độ khác nhau.

Trong những nghiên cứu phân loại học thực vật, họ nắp ấm (tên Latin là Nepenthaceae với một chi duy nhất là Nepenthes) ít được nghiên cứu so với nhiều họ thực vật khác và trong thực tế hiểu biết của con người về nhóm thực vật bắt mồi này vẫn còn rất hạn chế

Cũng theo tiến sĩ Trường, một số mẫu vật mang tên N. thorelii trong một số bộ sưu tập hay được mua bán trên thị trường thật ra là các loài gần gũi. Tiến sĩ cũng cho biết thêm: "Chúng tôi không thể khẳng định rằng các cá thể nắp ấm mà nhiều người dân phản ánh nói trên chính là nắp ấm Thorel, cần xem xét kỹ với mẫu vật đầy đủ mới xác định có phải loài Thorel hay không."

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại