Loại Ankara khỏi chương trình F-35, quan hệ Mỹ-Thổ “nổi sóng gió"

Vũ Anh Tuấn |

Việc Thổ Nhĩ Kì kiên quyết mua S-400 của Nga và Washington loại Ankara khỏi chương trình F-35 khiến quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ ngày càng rạn nứt.

Ngày 17/7, Nhà Trắng xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ không còn cơ hội tham gia vào chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Động thái này diễn ra 5 ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, khiến mối quan hệ giữa hai bên căng thẳng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định rằng, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã khiến cho việc Thổ Nhĩ Kỳ  tiếp tục tham gia vào chương trình máy bay F-35 là bất khả thi.

Theo bà Grisham, máy bay F-35 do Mỹ chế tạo "không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo, sẽ được sử dụng để tìm hiểu về những năng lực tiên tiến loại máy bay này, và điều này sẽ gây bất lợi đối với khả năng tương tác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO”.

Trước đó,  Mỹ đã nhiều lần đề xuất trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này cho Thổ Nhĩ Kỳ, song Thổ Nhĩ Kỳ lại quay sang hệ thống S-400 của Nga, điều này đi ngược lại cam kết của NATO trong việc tránh tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Tuy nhiên, theo bà Grisham, Mỹ vẫn coi trọng quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ , đồng thời tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều lĩnh vực và lưu tâm đến việc kiềm chế do sự hiện diện của S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Ellen Lord hôm qua cũng cho biết,  toàn bộ nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình F-35 sẽ phải rời khỏi Mỹ trong tháng này và việc dừng hợp tác sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2020.

"Thứ Sáu tuần trước, Mỹ đã biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống phòng không và tên lửa S-400 của Nga. Hôm nay, tôi muốn nêu bật 3 điều. Thứ nhất là Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào chương trình và chuỗi cung ứng F-35. Thứ 2, Mỹ và các đối tác F-35 khác đã liên kết để đi đến quyết định tạm thời đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình và khởi xướng quá trình nhằm chính thức loại bỏ nước này khỏi chương trình. Thứ ba là như Tổng thống Donald Trump hôm qua tuyên bố, Mỹ vẫn coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ. "

Bà Ellen Lord cũng thông tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong dây chuyền sản xuất hơn 900 bộ phận của F-35. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng này sẽ chuyển sang các nhà máy của Mỹ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi danh sách. Theo quan chức này, việc chuyển chuỗi cung ứng đối với F-35 sẽ khiến Mỹ tốn từ 500-600 triệu USD chi phí kỹ thuật không định kỳ.

Phản ứng trước thông tin trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích động thái "không công bằng" của Mỹ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, bước đi đơn phương này vừa không tuân thủ tinh thần của liên minh quân sự vừa không dựa vào các lý do chính đáng.

Tuyên bố nhấn mạnh, việc loại Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đối tác trong chương trình F-35 ra khỏi chương trình này là sự bất công trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần khẳng định hệ thống S-400 không gây nguy hiểm đối với máy bay F-35. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kêu gọi Mỹ rút lại  hành động sai lầm này, vốn sẽ dẫn tới những thiệt hại không thể bù đắp cho quan hệ song phương.

Quyết định của Mỹ được đưa ra 5 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt đầu tiếp nhận các thiết bị đầu tiên của các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Mỹ liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ thương vụ S-400. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố thương vụ S-400 là vấn đề chủ quyền quốc gia.

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại