Nhà hàng tại Singapore sẽ không được phép phục vụ tại chỗ từ ngày 22/7. Ảnh: EPA
Singapore từ ngày 22/7 sẽ tái áp đặt các quy định hạn chế phòng ngừa COVID-19 sau khi chính quyền nới lỏng nhiều biện pháp giãn cách hồi tuần trước. Quyết định được đưa ra sau khi “đảo quốc Sư Tử” phải đối mặt với các ổ dịch mới liên quan đến hoạt động của quán karaoke và cảng cá Lâm Thố (Jurong).
Giới chức thuộc lực lượng đặc trách chống COVID-19 Singapore ngày 20/7 xác nhận hoạt động ăn uống tại nhà hàng sẽ bị cấm. Tụ tập xã hội, trong đó có việc viếng thăm hộ gia đình, sẽ hạn chế chỉ còn hai người. Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc đối với các hoạt động thể thao trong nhà. Lệnh hạn chế mới sẽ có hiệu lực ít nhất cho tới ngày 18/8. Hoạt động diễu binh nhân ngày Quốc khánh (9/8) sẽ vẫn được thực hiện, nhưng quy mô có thể sẽ được xem xét theo hướng thu hẹp lại.
“Một số người đã đặt câu hỏi tại sao cơ quan chức năng lại siết biện pháp hạn chế nếu như Singapore có kế hoạch sống chung với COVID-19 và liệu điều đó có phù hợp với chiến lược coi COVID-19 là bệnh đặc hữu? Đường hướng của chúng tôi không thay đổi. Tuy nhiên, khi định ra kế hoạch sống chung với COVID-19, chúng tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao đáng kể tỉ lệ tiêm ngừa vaccine. Cần phải kiểm soát lây nhiễm để bảo vệ đối tượng chưa chích ngừa, nhất là người già”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong nêu quan điểm.
Việc tái áp đặt hạn chế lần này tương tự như biện pháp mà chính phủ từng thực hiện từ ngày 16/5-13/6 để đối phó với ổ dịch bùng phát tại sân bay Changi trước đó. Ông Yong - người cũng là đồng Chủ tịch Nhóm đặc trách chống COVID-19 của Singapore, thừa nhận diễn biến dịch bệnh mới nhất là “bước lùi lớn” trong cuộc chiến chống dịch ở Singapore. Nhưng ông cũng tuyên bố chính quyền sẽ nhanh chóng thực thi mở cửa trở lại khi các ổ dịch mới được khống chế, kiểm soát và tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tăng lên.
Diễn biến dịch bệnh mới nhất tại Singapore liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại nhiều quán karaoke, với ít nhất 193 ca được xác định dương tính với SARS-CoV-2 tính đến ngày 19/7. Chuỗi lây nhiễm thứ hai liên quan đến cảng cá Lâm Thố, với ít nhất 179 ca mắc mới đã được xác định và đã lan sang 28 khu chợ, siêu thị, trung tâm kinh doanh ẩm thực, gây đe dọa đến nhóm đối tượng là người già.
Chuỗi lây nhiễm mới nhất tại Singapore liên quan đến hoạt động tại các quán Karaoke. Ảnh: CNA
Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, cũng là đồng chủ tịch Nhóm đặc trách chống COVID-19 của chính phủ, cho biết có tới hơn 100.000 người trên 70 tuổi ở Singapore chưa chích ngừa vaccine. Có khoảng 100.000 người trong độ tuổi từ 60-69 chưa tiêm vaccine. Theo ông, nhóm người già dễ mắc nguy cơ mắc bệnh nặng nếu nhiễm COVID-19, đa phần sẽ phải nhập viện, trong đó có 10-15% sẽ cần buồng điều trị tích cực (ICU).
Theo Bộ trưởng Kung, tính đến ngày 19/7, có khoảng 70% dân số Singapore đã được tiêm đủ liều. 73% trong tổng số 5,7 triệu dân Singapore đã được chích ngừa ít nhất một liều vaccine của Moderna hoặc Pfizer. Với tiến độ đặt lịch tiêm như hiện nay, sẽ có khoảng 75% người trên 70 tuổi tiêm vaccine, tăng so với mức 71-72% hiện nay.
Chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long cuối tháng 6 phát đi tín hiệu về lộ trình “sống chung với COVID-19”, theo hướng coi đây là bệnh đặc hữu tương tự như cúm mùa. Kế hoạch này có sự thay đổi trong cách tiếp cận để đối phó với đại dịch, bỏ việc thống kê công bố số ca mắc hàng ngày, chuyển sang tập trung vào các bệnh nhân phải nhập viện điều trị hoặc cần chăm sóc đặc biệt. Cách làm này tương tự như việc theo dõi và kiểm soát bệnh cúm, một căn bệnh theo mùa.
Việc truy vết trên diện rộng và cách ly khi có ca nhiễm mới sẽ không còn cần thiết. Thay vào đó, người dân sẽ được xét nghiệm thường xuyên hơn bằng nhiều phương pháp nhanh chóng và dễ dàng tự thực hiện. Tuy nhiên, Singapore cũng khẳng định quan điểm thận trọng, thực thi lộ trình theo hình thức tiệm tiến, dựa trên nâng cao độ che phủ của vaccine đối với toàn bộ dân số đi cùng với củng cố ý thức của người dân.