Hé lộ thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Thông tin trên được 4 nguồn tin (ẩn danh) thân cận với quá trình đàm phán Mỹ-Đài tiết lộ cho Reuters. Động thái này được cho là sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" và khiến quan hệ Mỹ-Trung Quốc lao dốc hơn nữa, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Reuters cho hay, một thông báo không chính thức về đề xuất bán vũ khí cho Đài Loan đã được gửi tới Quốc hội Mỹ.
Ba nguồn tin hé lộ, thương vụ có thể bao gồm 108 xe tăng General Dynamics M1A2 Abrams trị giá lên đến 2 tỉ USD, cùng với đạn dược chống tăng và phòng không. Đài Loan đã bày tỏ mong muốn cải thiện kho vũ khí xe tăng chiến đấu hiện có của nước này - bao gồm các xe tăng M60 Patton của Mỹ sản xuất.
Hai nguồn tin cho hay, bản thông báo gửi Quốc hội nói trên bao gồm nhiều loại đạn chống tăng như 409 Raytheon và tên lửa Javelin do hãng Lockheed Martin chế tạo, giá trị vào khoảng 129 triệu USD.
Ngoài ra, đơn hàng còn bao gồm 1.240 tên lửa chống tăng TOW trị giá 299 triệu USD và 250 tên lửa stinger trị giá 223 triệu USD.
Tờ Zaobao (Singapore) cho hay, tiếp theo Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận về phương án bán vũ khí cho Đài Loan, quá trình thẩm định này thông thường mất khoảng 30 ngày để nhận được kết quả phê chuẩn hoặc bác bỏ.
Mỹ là nhà cung cấp vũ trang chủ yếu cho Đài Loan, trong khi chính phủ Trung Quốc Đại lục phản đối bất kỳ hình thức trao đổi quan chức, quân sự nào giữa hòn đảo này với Mỹ. Chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời của nước này.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi tháng 3 nói rằng Mỹ phản ứng tích cực trước đề nghị của Đài Bắc về việc cung cấp khí tài mới để củng cố khả năng phòng vệ của hòn đảo trước sức ép gia tăng của Đại lục.
Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng luật pháp Mỹ có Đạo luật quan hệ Đài Loan, ràng buộc Washington phải cung cấp cho đồng minh này những phương tiện cần thiết để tự vệ.
Cú đánh mạnh vào căng thẳng Mỹ-Trung
Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang từ đầu tháng 5, căng thẳng trong vấn đề Đài Loan và biển Đông cũng gia tăng.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ - cơ quan giám sát các dự án bán vũ khí cho nước ngoài - cho biết chính phủ Mỹ không bình luận hay xác nhận thương vụ cung cấp hay chuyển giao vũ trang [cho Đài Loan] trước khi Quốc hội nhận được một bản thông báo chính thức.
Hồi năm 2018, chính quyền tổng thống Donald Trump đã xúc tiến một cuộc thay đổi được kỳ vọng từ lâu trong chính sách xuất khẩu vũ khí, nhằm mở rộng việc cung ứng vũ khí Mỹ cho các đồng minh. Nhà Trắng tin rằng điều này sẽ củng cố thị trường vũ khí Mỹ và tạo công ăn việc làm trong nước.
Vào tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo sẽ bán 34 máy bay không người lái ScanEagle trị giá 47 triệu USD, do hãng Boeing sản xuất, cho 4 quốc gia Đông Nam Á. Những thiết bị này cho phép các nước có khả năng thu thập tình báo tốt hơn, trước tình hình Trung Quốc có nhiều hoạt động trong khu vực.
Vài ngày trước khi xuất hiện thông tin về thương vụ Mỹ-Đài, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cảnh cáo Mỹ không can thiệp vào những vấn đề bất đồng an ninh liên quan đến Đài Loan.
"Mỹ gần đây đã đưa ra nhiều tuyên bố và động thái liên quan đến Đài Loan, điều này làm suy yếu nguyên tắc Một Trung Quốc và Bắc Kinh phản đối điều này," ông Ngụy nói, nhấn mạnh Quân giải phóng nhân dân (PLA) "kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc và Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc".
Trong khi đó, Quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng Mỹ sẽ không tiếp tục nhẹ nhàng với những hành vi của Bắc Kinh tại châu Á.
Hồi tháng 3, Bắc Kinh phản ứng gay gắt khi chính quyền Trump cho phép Đài Loan mua 60 chiến đấu cơ F-16. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khi đó tuyên bố đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Mỹ, đồng thời yêu cầu Mỹ "nhìn nhận đầy đủ tính nguy hại nghiêm trọng và nhạy cảm cao của vấn đề liên quan".