Lo sợ kịch bản Covid-19 như Ấn Độ

Xuân Mai |

Nhiều quốc gia đang chật vật với làn sóng dịch Covid-19 lo sợ kịch bản bùng dịch tương tự Ấn Độ.

Các nhân viên y tế chuẩn bị hỏa táng thi thể nạn nhân Covid-19 bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh - Ấn Độ hôm 6-5 Ảnh: REUTERS

Các nhân viên y tế chuẩn bị hỏa táng thi thể nạn nhân Covid-19 bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh - Ấn Độ hôm 6-5 Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 7-5 nhóm họp về các biện pháp hồi phục sau dịch Covid-19 tại Bồ Đào Nha. Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của khối gồm 27 quốc gia thành viên trong 5 tháng qua.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ có cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc hỗ trợ chống dịch và các vấn đề khác như thương mại trong ngày 8-5. Tuy nhiên, đề xuất tạm dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin Covid-19 của Mỹ đã phủ bóng cuộc họp kéo dài 2 ngày của EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6-5 tuyên bố sự ủng hộ khi cho rằng vắc-xin nên được chia sẻ cho người dân trên toàn thế giới. Trước đó, chính quyền Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin Covid-19 của nước này nhằm giúp thế giới ngăn chặn dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay sẵn sàng thảo luận về đề xuất của Mỹ nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Quyết định được các nước đang phát triển vốn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung vắc-xin ủng hộ mạnh mẽ nhưng bị thờ ơ tại những nước phát triển có các công ty dược lớn tham gia sản xuất vắc-xin. Phía Anh tỏ ra thận trọng về quyết định này trong khi Đức phản đối.

Cuộc họp diễn ra giữa lúc Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe (IHME) thuộc Trường ĐH Washington (Mỹ) cho hay đại dịch Covid-19 đã làm gần 6,9 triệu người tử vong trên toàn cầu, tăng hơn gấp đôi con số ghi nhận chính thức. Theo phân tích của IHME, các trường hợp tử vong không được báo cáo vì hầu hết các quốc gia chỉ ghi nhận những ca trong bệnh viện hoặc các ca bị xác nhận mắc Covid-19.

Đáng chú ý, "điểm nóng" Ấn Độ hôm 6-5 ghi nhận 414.188 ca nhiễm, đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trên 400.000 và là ngày thứ 16 liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca. Đây cũng là số ca nhiễm cao nhất trong ngày cho đến nay.

Tổng số ca mắc và ca tử vong do dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã tăng lần lượt lên hơn 21,49 triệu và hơn 234.000, khiến quốc gia này trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tính riêng trong tuần này, Ấn Độ đã ghi nhận 1,57 triệu ca nhiễm và 15.100 ca tử vong. Chính quyền nhiều khu vực tại Ấn Độ đã ban bố lệnh phong tỏa hôm 6-5 để ngăn ngừa Covid-19 lây lan trong bối cảnh tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, hệ thống y tế quá tải, nguồn cung ôxy và thuốc cạn kiệt.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang chống chọi với làn sóng dịch bệnh lo sợ kịch bản bùng phát dịch tương tự Ấn Độ. Trong khi các quốc gia giàu có tiêm phòng rộng rãi cho người dân có cơ hội mở cửa trở lại thì các nước có hoạt động tiêm chủng hạn chế đứng trước nguy cơ tái phong tỏa. Tại tỉnh Sohag, điểm nóng của làn sóng dịch bệnh tại Ai Cập, các bác sĩ cảnh báo hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ bất chấp chính phủ tăng cường nguồn cung trang thiết bị y tế. TS Mahmoud Fahmy Mansour, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ của tỉnh Sohag, nói với hãng tin AP kịch bản bùng phát dịch như tại Ấn Độ có khả năng xảy ra tại khu vực này.

Ai Cập không phải là trường hợp duy nhất chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới. Tính đến hôm 6-5, Brazil ghi nhận thêm hơn 73.000 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc 15 triệu trong khi tổng số người chết vì Covid-19 hơn 416.000 ca. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca mắc mới ghi nhận trong 2 tuần qua trên toàn thế giới cao hơn so với 6 tháng đầu bùng dịch.

Nepal hiện chứng kiến mức tăng đột biến về số ca nhiễm trong lúc cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ đang tràn qua biên giới nước này. Nepal thời gian qua ghi nhận khoảng 20 ca nhiễm/100.000 dân mỗi ngày, mức tương đương Ấn Độ 2 tuần trước. Cuối tuần rồi, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) công bố dữ liệu cho thấy 44% mẫu xét nghiệm của Nepal có kết quả dương tính, đồng thời cảnh báo khủng hoảng sắp xảy ra. Tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh làm dấy lên nỗi sợ rằng Nepal đang theo vết xe đổ như Ấn Độ, thậm chí tồi tệ hơn.

Chuyên gia nhận định với đài CNN các sự kiện công cộng lớn, bao gồm lễ hội, cùng với sự tự mãn của người dân và hành động chậm trễ của chính phủ khiến dịch bệnh lan rộng. Cuộc khủng hoảng của Nepal bắt đầu hình thành từ đầu tháng 4, thời điểm người dân Nepal tụ tập đông đúc tại các lễ hội tôn giáo trong nước và dọc biên giới Ấn Độ, nơi các tín đồ người Nepal cùng với tín đồ Hindu tham gia lễ hội tắm sông Hằng Kumbh Mela, một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại